Món ăn bài thuốc

Công dụng của cây chìa vôi

Chìa vôi, hay Bạch phấn đằng, Bạch liêm.

Mô tả: Cây nhỏ, mọc leo, dài 2 – 4 cm. Toàn thân nhẵn, phủ phấn trắng (nên có tên là Bạch phấn đằng). Tua cuốn đơn hình sợi. Lá đơn hình dạng thay đổi, thường xẻ thùy chân vịt, phía cuống hình tim, dài và rộng 6 – 8 cm; những lá phía gốc gần như nguyên hình mác; các lá phía trên chia 5 – 7 thùy dài gần bằng nhau, mép hơi có răng cưa.

Hoa màu vàng nhạt mọc thành ngù đối diện với lá nhưng ngắn hơn và có cuống. Cây có hoa vào tháng 4 và tháng 6, có quả vào tháng 5 – 10

Bộ phận dùng: Rễ hình củ (Bạch liễm hay củ Chìa vôi) và dây.

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc hoang ở bờ bụi, hàng rào ở nhiều nơi, gặp ở hầu hết các tỉnh đồng bằng.

Củ to và dây thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào mùa khô. Củ tròn, to bằng quả trứng gà, mấu củ gắn liền với gốc cây, 2 đầu củ hơi nhọn, ngoài đen, trong trắng. Đào về, rửa sạch, ngâm một đêm cho mềm, thái mỏng, phơi khô. Khi dùng đem củ ngâm nước vo gạo, còn dây thì cắt ngắn, tẩm rượu sao. Thường hay tán bột làm hoàn tán.

Hoạt chất và tác dụng:

Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.

Theo Y học cổ truyền, củ có vị đắng, chua, hơi the, tính mát. Có công năng thông kinh, phá huyết, trừ tê thấp, lợi tiểu, tiêu độc, sát trùng. Thường dùng chữa đau nhức xương, đau nhức đầu, tê thấp, gân xương co quắp, sưng tấy, mụn nhọt và chữa rắn cắn. Cũng dùng làm thuốc xổ và nhuận tràng. Thân cây dùng nong cổ tử cung trong việc gây sẩy thai.

Ngày dùng 10 – 30g dưới dạng thuốc sắc hay rượu uống. Dùng ngoài không kể liều lượng. Để chữa mụn nhọt, sưng tấy, vừa uống trong, vừa giả dây lá với muối đắp ngoài. Để chữa rắn cắn, giã với lá muối, nhai nuốt nước, bã đắp. Có thể phối hợp với Chua me đất hoa vàng, Quế chi, Gừng, Lá trầu không, Vôi, giã nát thêm nước, gạt uống, bã đắp.

Có người đã dùng thân cây chìa vôi rửa sạch sát trùng rồi nong cổ tử cung, sau đó cho uống thuốc kích thích sự co bóp tử cung để lấy thai ra. Có kết quả nhưng có khi phải nạo lại, tuy vậy vẫn nhanh hơn.

Cây chìa vôi chữa bệnh thoát vị đĩa đệm

Để chữa bệnh bằng cây chìa vôi, người ta thường hái chìa vôi về rửa sạch rồi đem cắt nhỏ, phơi khô hoặc sao cho vàng rồi bảo quản để dùng dần. Hàng ngày, lấy chìa vôi nấu nước uống sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh, phòng ngừa bệnh tật rất hiệu quả.

Đặc biệt, để chữa thoát vị đĩa đệm, người ta phối hợp cây chìa vôi với một số loại thảo dược khác làm thành bài thuốc như sau:

Thành phần: Dây chìa vôi 50g, cỏ xước 30g, cây tầm gửi 30g, lá lốt 30g, cây dền gai 20g.

Cách dùng: Đem các vị thuốc trên đây sắc với 1,5 lít nước sao cho còn lại 3-4 chén uống hết trong ngày. Mỗi ngày uống một thang có tác dụng bồi bổ gân xương, giảm đau nhức do thoát vị đĩa đệm rất hiệu quả.

Đồng thời, người bệnh có thể kết hợp thêm bài thuốc đắp từ cây chìa vôi dưới đây để có tác dụng từ bên trong lẫn bên ngoài:

Dùng 1 lượng lá chìa vôi vừa đủ đem rửa sạch đi bột phấn trắng. Sau đó, rang nóng lá chìa vôi chung với muối trắng, chờ cho nguội bớt thì đem đắp lên vùng lưng bị đau nhức do thoát vị đĩa đệm. Khi thuốc nguội thì rang lại rồi đắp tiếp. Mỗi ngày, kiên trì đắp lá chìa vôi rang muối 2-3 lần và uống bài thuốc từ lá chìa vôi trên đây sẽ giúp việc điều trị thoát vị đĩa đệm có kết quả nhanh chóng, người bệnh giảm đau nhức và vận động trở nên dễ dàng hơn so với trước đó.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống sao cho phù hợp với tình trạng bệnh của mình và thường xuyên luyện tập thể dục với các bài tập riêng để đẩy lùi căn bệnh nhanh chóng.

Tổng hợp