Khỏe đẹp

Kết quả đánh giá các giống dưa trời triển vọng 2006-2007

Từ 38 giống trong tập đoàn Dưa trời đang được lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia đã bình tuyển được hai giống Dưa trời có năng suất cao (giống 7781 đạt 46,66 tấn/ha và giống T3291 đạt 47,9 tấn/ha và khả năng kháng sâu bệnh khá. Hai giống này đều thích nghi và cho năng suất cao tại các vùng sinh thái khác nhau…

dua-troi

Giống dưa trời cho năng xuất cao và khả năng kháng sâu bệnh khá

Dưa trời là cây rau ăn quả thuộc họ Bầu bí, được đồng bào các dân tộc miền núi sử dụng bền vững từ lâu do có đặc tính là sai quả và sử dụng đa dạng. Ngoài ra, cây trồng này còn có những ưu việt mà các loại rau khác không có, như kháng được nhiều loại sâu bệnh, dễ trồng, chịu đất nghèo dinh dưỡng và năng suất cao. Do những đặc tính nêu trên, Dưa trời là một trong những loại rau có tiềm năng phát triển mạnh trong các chương trình sản xuất rau an toàn.Từ tập đoàn 38 giống Dưa trời đang được lưu giữ tại Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia, Trung tâm Tài Nguyên thực vật đã tiến hành bình tuyển và chọn lọc các giống Dưa trời có năng suất và chất lượng cao để sản xuất rau an toàn trong 2 năm 2006-2007.
Vụ Xuân năm 2006, tiến hành mô tả và đánh giá 47 tính trạng hình thái nông học của 38 giống Dưa trời, kết quả đã chọn được 7 giống có tiềm năng năng suất, thời gian thu hoạch sớm đến trung bình. Các giống Dưa trời chọn được từ năm 2006 tiếp tục đánh giá ở  năm 2007. Kết quả tất cả 7 giống này đều cho năng suất trên 40 tấn/ha, trong đó 2 giống có năng suất cao nhất là giống Dưa trời (SĐK 7781) và giống Dưa trời (SĐK T3291). Hai giống này được chọn để giới thiệu cho sản xuất và tiến hành các thí nghiệm liên quan.
Song song với việc đánh giá, bình tuyển, đã tiến hành nghiên cứu tính thích nghi của các giống Dưa trời triển vọng được thực hiện trong 2 năm 2006 và 2007 ở 3 vùng sinh thái khác nhau, gồm miền núi, trung du và đồng bằng. Năm 2006, triển khai nghiên cứu tính thích nghi của 5 giống dưa trời tại ba vùng sinh thái khác nhau, miền núi,  Trung du, Đồng bằng. Kết quả bước đầu cho thấy các giống Dưa trời đều sinh trưởng và phát triển tốt ở cả ba vùng sinh thái, trong đó 2 giống Mướp hổ (SĐK 7781) và Nặc này (SĐK T3291) đều cho năng suất cao ở các điểm nghiên cứu. Năm 2007, hai giống Dưa trời có năng suất cao nhất ở năm 2006 được tiếp tục đánh giá tại các vùng sinh thái khác nhau.
Năng suất trung bình trong 2 năm (2006 và 2007) của 2 giống dưa trời triển vọng tại 4 điểm nghiên cứu đều đạt trên 40 tấn/ha. Trong đó, giống 7781 đạt cao nhất tại Mê Linh, Vĩnh Phúc (Hà Nội) với 55 tấn/ha, còn giống T3291 đạt cao nhất tại Kỳ Sơn, Hòa Bình với 54,45 tấn/ha.
Năng suất bình quân của giống 7781 trong 2 năm của các điểm nghiên cứu là 46,66 tấn/ha và của giống T3291 là 47,90 tấn/ha
Kết quả phân tích các chỉ tiêu chất lượng của các giống dưa trời triển vọng cho thấy giống 7781 có hàm lượng đường tổng số (3,3%) và Vitamin A (7197 UI/100g) cao nhất. Hàm lượng Vitamin A cao hơn các giống còn lại từ 8 dến 23 lần.
Kết quả đánh giá sâu bệnh cho thấy ở cả 2 giống triển vọng, các bệnh xoăn lá, phấn trắng và sâu xám không xuất hiện. Các loại bệnh khảm lá, sương mai, sâu vẽ bùa và bọ xít mướp đều ở dạng nhẹ.
Như vậy, từ 38 giống Dưa trời đã bình tuyển được hai giống Dưa trời có năng suất cao (giống  7781 đạt 46,66 tấn/ha và giống T3291 đạt 47,9 tấn/ha và khả năng kháng sâu bệnh khá. Hai giống này đều thích nghi và cho năng suất cao  tại các vùng sinh thái khác nhau. Đặc biệt giống dưa trời (SĐK 7781) có hàm lượng vitamin A cao.

TS. Trần Danh Sửu

Nguồn: http://www.prc.org.vn