Món ăn bài thuốc

Sâm cau – Cây thuốc quý đến mức nào?

Sâm cau (Curculigo orchicides Gaertr) thuộc họ sâm cau (Hypoxidaceae), tên khác là ngải cau, tiên mao, cồ nốc lan, là một cây thảo, sống lâu năm, cao 20-30cm, có khi hơn. Thân rễ mập, hình trụ dài, mọc thẳng, thót lại ở hai đầu, mang nhiều rễ phụ có dạng giống thân rễ. Lá mọc tụ họp thành túm từ thân rễ, xếp nếp và có gân như lá cau, hình mũi mác hẹp, dài 20-30cm, rộng 2,5-3cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn gần như cùng màu, gân song song, bẹ lá to và dài; cuống lá dài khoảng 10cm. Cụm hoa mọc trên một cán ngắn ở kẽ lá, mang 3-5 hoa nhỏ, màu vàng; lá bắc hình trái xoan; đài 3 răng có lông, tràng 3 cánh nhẵn, nhị 6 xếp thành hai dãy, chỉ nhị ngắn, bầu hình thoi, có lông rậm. Quả nang, thuôn, dài 1,2 – 1,5cm, hạt 1 – 4, phình ở đầu.

Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu của sâm cau là thân rễ, thu hái quanh năm, tốt nhất vào mùa thu, đào về, rửa sạch, cạo bỏ vỏ ngoài, để nguyên hoặc ngâm nước vo gạo một đêm, rồi phơi hoặc sấy khô. Dược liệu chứa tinh bột, tanin, sitosterol, stigmasterol và các hợp chất flavonoid, các chất thuộc nhóm cycloartan, triterpenic, cycloartan glycosid là curculigo saponin.

Nhân dân ở vùng có cây mọc thường đào rễ sâm cau về, cắt bỏ gốc thân lá, rửa sạch, dùng tươi, thái nhỏ hầm với thịt gà ăn để bồi dưỡng sức khỏe, nhất là đối với người cao tuổi và phụ nữ mới sinh. Dùng riêng để chữa hen, tiêu chảy. Rễ sâm cau phơi khô, thái nhỏ, sao vàng, lấy 12g sắc với 200ml nước còn 50ml, uống một lần trong ngày. Dùng phối hợp chữa tê thấp, đau mình mẩy: rễ sâm cau, hà thủ ô, hy thiêm mỗi thứ 20g, thái nhỏ, ngâm với 500ml rượu trắng, trong 7-10 ngày, càng lâu càng tốt; ngày uống hai lần, mỗi lần 30ml. Chữa sốt xuất huyết: sâm cau 20g (sao đen), cỏ nhọ nồi 12g, trắc bách diệp 10g (sao đen), quả dành dành 8g (sao đen), sắc uống làm 2-3 lần trong ngày.

Để chữa liệt dương do rối loạn thần kinh chức năng, lấy sâm cau 10g, sâm bố chính, trâu cổ, kỷ tử, ngưu tất, tục đoạn, thạch hộc, hoài sơn, cáp giới mỗi vị 12g; cam thảo nam, ngũ gia bì mỗi thứ 8g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc uống. Hoặc sâm cau 20g, ba kích, phá cố chỉ, hồ đào nhục, thục địa mỗi vị 16g, hồi hương 4g, sắc uống ngày một thang.

Trong dân gian, khi ngâm rượu chim bìm bịp với tắc kè, người ta thường cho thêm cả sâm cau để tăng thêm hiệu lực tác dụng.

Bài thuốc “Nhị tiên thang” gồm sâm cau, ba kích, dâm dương hoắc, tri mẫu, hoàng bá, đương quy mỗi thứ 12g được dùng dưới dạng thuốc sắc đã chữa bệnh cao huyết áp, nhất là đối với phụ nữ trong thời kỳ mãn kinh, đạt kết quả hơn 70%.

Ghi chú: Dùng sâm cau liều cao kéo dài sẽ gây cường dương mạnh, làm tinh hao kiệt lực. Người hư yếu, thể trạng kém không nên dùng.

Đỗ Huy Bích

Nguồn: Cây cỏ và thuốc Nam. Công Trứ sưu tầm