Khỏe đẹp

Giống lúa thuần LH12 và tiềm năng phát triển trong sản xuất hiện nay

  1. Nguồn gốc giống lúa LH12

Giống LH12 do TS. Hoàng Thị Lan Hương (Trung tâm Tài nguyên thực vật, Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và TS. Nguyễn Thiên Lương (Vụ Khoa học, Công nghệ và MT, Bộ Nông nghiệp và PTNT) tuyển chọn theo phương pháp chọn lọc cá thể và phân lập dòng thuần từ nguồn giống nhập nội của IRRI (10L204) năm 2010.

Giống lúa LH12 đã được gửi khảo nghiệm VCU trong màng lưới khảo nghiệm quốc gia 3 vụ (vụ xuân và mùa năm 2013, vụ xuân năm 2014) được đánh giá là giống có triển vọng trong bộ giống lúa chất lượng so với Bắc thơm số 7 và Hương thơm số 1. Khảo nghiệm DUS ở 2 vụ mùa 2013 và 2014, khẳng định có tính khác biệt, tính đồng nhất và ổn định.

Đến nay LH12 đã được khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử tại một số địa phương ở các vùng sinh thái khác nhau trên cả nước với tổng diện tích trên 150 ha.

giong-lua-h12

Mô hình giống lúa H12

  1. Một số đặc điểm nông sinh học của giống lúa LH12.

Giống lúa LH12 có chiều cao cây từ 100-110cm, thời gian sinh trưởng ở vùng ĐBSH và trung du miền núi phía Bắc, vụ xuân từ 120-135 ngày, vụ mùa từ 105-115 ngày (gieo sạ ngắn hơn 3-5 ngày); ở vùng Bắc Trung bộ, vụ xuân từ 115-130 ngày, vụ hè thu từ 100-110 ngày; ở với các tỉnh Duyên hải Nam trung bộ và ĐBSCL, giống có TGST ngắn hơn 4-6 ngày so với vùng Bắc Trung bộ ở cả 2 vụ trong năm.

Giống sinh trưởng khỏe, đẻ nhánh trung bình, thích hợp rộng trên các chân đất vàn, vàn trung bình, chịu thâm canh khá. Khả năng chống đổ trung bình, chống chịu khá với hầu hết các loại sâu bệnh hại chính (đạo ôn, khô vằn, bạc lá….).

Trong khảo nghiệm cơ bản vụ xuân năm 2013 và 2014 ở các điểm màng lưới quốc gia, giống lúa LH12 cho năng suất 52,9 -53,6 tạ/ha, tương đương với giống Hương thơm số 1 và cao hơn 11% so với giống Bắc thơm số 7. Vụ mùa, giống cho năng suất 46,7 tạ/ha, cao hơn không có ý nghĩa so với giống Hương thơm số 1 nhưng cao hơn có ý nghĩa so với giống Bắc thơm số 7.

Kết quả khảo nghiệm cơ bản 3 vụ cho thấy, chất lượng gạo của LH12 được đánh giá tương đương với Bắc Thơm 7, dạng hạt gạo thon dài, gạo trắng trong, hàm lượng amyloza thấp 14,7%, cơm có mùi thơm nhẹ, ăn mềm, dẻo, vị đậm, để nguội vẫn ngon cơm.

  1. Kết quả khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử giống LH12

Từ vụ mùa năm 2013 đến nay, giống LH12 đã được khảo nghiệm sản xuất và sản xuất thử ở một số địa phương trên cả nước:

(i) vùng ĐBSH và Bắc Trung bộ (Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nam, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…), năng suất của giống đạt từ 64-79 tạ/ha (vụ xuân), 52-66 tạ/ha (vụ mùa và hè thu);

(ii) vùng Duyên hải Nam Trung bộ (Quảng Ngãi, Quảng Nam), năng suất 76 tạ/ha (vụ đông xuân năm 2014) và 64,8-74,5 tạ/ha vụ hè thu;

(iii) vùng ĐBSCL (Long An), LH12 cho năng suất trên 90 tạ/ha (vụ đông xuân 2014) và 56 tạ/ha (vụ hè thu).

  1. Một số yêu cầu kỹ thuật sản xuất giống lúa LH12

Chân đất: Thích hợp đất vàn, vàn trung bình, đủ nước ở các trà xuân muộn, mùa sớm hoặc hè thu.

Thời vụ: theo khung thời vụ của địa phương với các giống trà xuân muộn, mùa sớm hoặc hè thu.

Kỹ thuật gieo cấy: Có thể gieo sạ, vãi hoặc gieo mạ dược để cấy như các loại giống lúa chất lượng khác cùng trà.

Phân bón: Giống chịu thâm canh khá nên có thể đầu tư thêm phân bón, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh và phân Kali. Tuy nhiên không nên bón đạm lai rai hoặc bón muộn vào cuối vụ.

Kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch: Áp dung tương tự như các giống lúa thuần chất lượng khác.

Lưu ý:

– Ruộng gieo cấy LH12 cần được giữ đủ nước ở các thời kỳ cần thiết, bón thúc sớm để lúa đẻ tập trung. Thường xuyên kiểm tra sâu bệnh hại để phát hiện sớm và phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan BVTV địa phương.

– Giống LH12 có TGST dài hơn giống Bắc thơm 7 từ 3-5 ngày nên cần chú ý trong bố trí cơ cấu thời vụ; giống đẻ nhánh ở mức trung bình nên cần gieo cấy với mật độ cao hơn các giống khác để tăng hiệu quả kinh tế; giống có thời gian ngủ nghỉ nên cần được kiểm tra và xử lý hạt giống trước khi gieo.

  1. Một số ý kiến đánh giá giống LH12

“LH12 đã được khảo nghiệm ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, qua 3 vụ đều thể hiện tính thích ứng rộng , thời gian sinh trưởng ngắn tương đương như BC15, chống chịu sâu bệnh khá, đặc biệt là bệnh bạc lá. Đây là giống chịu thâm canh, năng suất ổn định, luôn cao hơn hơn Bắc thơm 7 khoảng 15%. Chất lượng gạo LH12 được đánh giá là tương đương Bắc Thơm 7, hạt gạo nhỏ, dài, màu trắng trong, hàm lượng Amyloze là 14,7%, cơm mềm vị đậm để nguội cơm vẫn dẻo ngon” (TS. Hà Quang Dũng, Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, Sản phẩm cây trồng quốc gia).

“Nông dân Nam Định có truyền thống thâm canh lúa chất lượng cao, trong đó Bắc thơm 7 là lựa chọn số một. Mặc dù chất lượng gạo rất tốt, nhưng giống lúa này lại bộc lộ nhiều điểm yếu như năng suất thấp và dễ nhiễm sâu bệnh (đặc biệt là bạc lá) làm ảnh hưởng đến sản lượng lúa. Giống lúa LH12 có chất lượng gạo thơm ngon, đồng thời cũng khắc phục những điểm yếu của Bắc thơm 7. Do đó, đề nghị Bộ NN-PTNT sớm công nhận SX thử đối với giống LH12 để tỉnh Nam Định có cơ sở pháp lý mở rộng SX, thay thế dần Bắc thơm 7 trong những năm tiếp theo” (ThS. Đỗ Hải Điền, Phó giám đốc Sở Nôn nghiệp và PTNT tỉnh Nam Định).

“Lúa LH 12 có TGST dài hơn Khang dân 18 và Bắc thơm 7 nên một số chủ ruộng tỏ ra sốt ruột, bón thêm một vài kg đạm so với yêu cầu kỹ thuật để thúc cây mau lớn. Với điều kiện thời tiết của vụ mùa, việc bón thừa đạm là tác nhân nguy hại khiến bệnh bạc lá phát sinh. Thế nhưng, bộ lá đòng của lúa vẫn đẹp, chứng tỏ khả năng kháng bạc của LH 12 rất tốt. Đối với Bắc thơm 7, bà con phải phun 2 – 3 lần thuốc BVTV phòng rầy, đạo ôn, khô vằn. Riêng LH 12 chỉ cần phun 1 lần nhưng đến nay chưa có biểu hiện bất thường. Từ đất vàn, vàn cao, vàn trũng đều phát triển khỏe. Đếm số hạt chắc trên bông, tôi có thể khẳng định năng suất lúa vụ này không dưới 65 tạ/ha. Mấy tháng trước, chúng tôi đã nấu gạo LH 12 và ăn thử cơm thấy có vị ngon gần ngang ngửa với Bắc thơm 7. Chắc chắn giá bán sẽ rất cao”(Bà Phùng Thị Nhuần, Bí thư chi bộ thôn Quyết Thắng, xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, người trực tiếp chỉ đạo nông dân thực hiện mô hình).

TS. Hoàng Thị Lan Hương