Home

Cây Nguyệt Quế, ý nghĩa phong thủy, cách trồng và chăm sóc

Cây nguyệt quế có tên khoa học là Laurus nobilis L., thuộc họ Long não (Lauraceae). Có nguồn gốc ở Đông Âu, vùng Địa Trung Hải. Ở nước ta, cây được trồng ở một số nơi ở các tỉnh miền Nam và là cây cảnh được ưa chuộng.

Mô tả

Cây thân gỗ mọc dạng bụi lớn, cao 9-15m, thân thẳng, vỏ nhẵn. Lá nguyệt quế dài khoảng 6-12cm, rộng 2-4cm, dai, xoan ngọn giáo. Lá có mùi thơm, phiến lá bầu dục thuôn, dày, cứng, không lông, cuống lá dài 5-15mm.

Hoa đực và hoa cái mọc trên các cây khác nhau, hoa có màu trắng lục nhạt, mọc thành các cặp cạnh kẽ lá. Quả mọng, nhỏ, màu đen, đài khoảng 1cm, bên trong chứa 1 hạt.  Cây ra hoa và xanh lâ quanh năm.

Cây Nguyệt Quế, ý nghĩa phong thủy, cách trồng và chăm sóc

Ý nghĩa phong thủy

Bắt nguồn từ một sự tích xưa của người dân Hi Lạp cho đến ngày nay, cây nguyệt quế luôn mang ý nghĩa tượng trưng cho sự chiến thắng và vinh quang. Vòng hoa nguyệt quế luôn được chọn làm biểu tượng quà tặng trong các giải đấu hay cuộc thi lớn.

Cây còn mang lại may mắn, thành công trong công danh, sự nghiệp và gặt hái được nhiều tài lộc cho gia chủ.

Không những vậy, cây còn có ý nghĩa tâm linh như trừ tà, xua đuổi ma quỷ và những xui xẻo trong cuộc sống, tránh những điều xấu đến cho gia đình.

Mùi thơm dễ chịu từ cây vừa giúp tinh thần thoải mái, vui tươi, luôn tươi mới, vừa giữ cho đầu óc tỉnh táo để giải quyết mọi chuyện.

Mang lại niềm tin và mong muốn các thành viên trong gia đình khỏe mạnh, bình an, con cháu đỗ đạt cao, mọi việc thuận lợi.

Cây Nguyệt Quế, ý nghĩa phong thủy, cách trồng và chăm sóc

Ứng dụng của cây

Làm cây cảnh trang trí trong sân vườn, chậu đặt bàn làm việc, bàn học hay văn phòng. Cũng được chọn trồng trước cửa nhà để mang lại tốt lành cho gia chủ. Dù giá cây nguyệt quế cổ thụ khá cao nhưng vẫn được rất nhiều người mua về vì những ý nghĩa trên.

Trong đông y, cây nguyệt quế có vị cay, đắng, tính hơi ấm, có tác dụng tiêu viêm, gây tê, trị các chứng phong thấp, đau xương khớp, tiêu chảy, kiết lỵ và trị các vết côn trùng cắn.

Kỹ thuật trồng cây

Cây nguyệt quế được trồng theo 4 phương pháp khác nhau là:

Chiết cành: chọn những cành bánh tẻ, khỏe mạnh, không sâu bệnh, đã ra hoa 1-2 năm, sinh trưởn tốt.

Giâm cành: dùng những đoạn cành bánh tẻ, vỏ nâu hoặc xám và sử dụng kích thích từ yếu tố sinh học để kích thích cây ra rễ mới. Thời điểm cắt giâm cành hợp lý nhất là vào tháng 6 đến tháng 8.

Ghép mắt: đây là phương pháp thông dụng nhất do đơn giản, cây lại nhanh phát triển. Chọn gốc ghép mọc thẳng, không sâu bệnh, sau đó tách mắt ghép có kích thước vừa phải để ghép vào.

Gieo hạt: phương pháp ít được dùng hơn do xác suất nảy mầm không cao.

Chăm sóc cây nguyệt quế

Chọn đất trồng cây theo công thức sau: lấy đất phù sa, phân chuồng, sơ dừa, mùn trấu theo tỉ lệ 2:1:1:1 rồi trộn đều.

Sau một thời gian trồng cây nên dùng phân bón cho cây 1-2 tháng một lần, có thể dùng 5-10g phân NPK 20-20-15 hoặc 15-20g phân Dinamix để tăng độ dinh dưỡng cho đất. Khi thấy cây kém tươi, nhiều rễ con chồi trên mặt đất và có hiện tượng nhuốm vàng cây thì nên thay đất cho cây.

Cây nguyệt quế không phải là cây ưa sáng nên tránh ánh sáng trực tiếp hay cường độ ánh sáng cao, cây để bàn nên phơi vào buổi sáng hoặc chiều tối đủ để cây quang hợp. Nhiệt độ thích hợp nhất là 23-29 độ C.

Cây ưa tưới nước nên tưới thường xuyên và luôn giữ độ ẩm cho đất. Có 2 bệnh cây hay gặp nhất là thối gốc và loét do vi khuẩn, vì vậy nên lưu ý và dùng biện pháp để ngăn gây hại cho cây.

Do cây dễ tạo dáng, sau khi trồng cây cao được 40cm, thân cây tự xoắn tạo thành dáng Bonsai đẹp tự nhiên và lạ mắt. Với lợi thế đó, nhiều người có thú vui chơi cây Bonsai hay lựa chọn loại cây này.