Cây trồng thủy sinh ngày càng phổ biến với người yêu cây cảnh và trở thành thú chơi đặc biệt của họ. Cây có thể dùng để trang trí nhà cửa, tạo cảnh quan đẹp và không gian trong lành. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết một vài sự thật sau đây về loại cây trồng độc đáo này.
Nội dung
Cây thủy sinh là gì?
Cây trồng thuỷ sinh là các loài cây sống dưới nước (nước mặn hay ngọt), có khả năng sinh trưởng và phát triển bình thường trong môi trường này trong một khoảng thời gian dài. Chúng có thể sống hoàn toàn trong nước (các loài tảo biển), một phần trong nước hoặc trong môi trường ẩm ướt như bùn. Một số khác thích ứng với môi trường ngập nước với phần lá nổi lên trên.
Xem chi tiết: TOP 10+ cây thủy canh đẹp, dễ trồng và những lưu ý khi chọn, chăm sóc cây
Không chỉ là thực vật cho bể cá cảnh
Chúng ta vẫn được biết về các loại thực vật thủy sinh quen thuộc như: cây Trân Châu Nhật, Trân Châu Cuba, Cỏ Ngưu Mao Chiên, Cỏ Thìa, Súng Thủy sinh, Thủy Cúc, Rong Đuôi Chó, Hẹ thẳng, Rêu Java, Rau Má Hương, … Những cây này được trồng trong bể cá cảnh hoặc hồ thủy sinh cùng các loại động vật dưới nước khác.
Các loài thủy sinh này có rất nhiều tác dụng:
– Loại bỏ các chất thải của sinh vật trong nước, thức ăn thừa, vật liệu phân hủy cho bể, hồ. Đồng thời giúp bổ sung khoảng trống ở bề mặt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, giống như là bộ lọc sinh học an toàn mà hiệu quả cho bể cá cảnh. Chúng vừa cung cấp đủ lượng oxy, vừa hấp thu lượng carbon dioxide (CO2) mà cá thải ra.
– Tạo điều kiện cho đàn cá hoặc tôm tép, ốc cua có nơi trú ngụ, ẩn nấp tránh tình trạng tranh giành lãnh thổ, đuổi cắn nhau. Một số loài cá có thể tận dụng nơi đó để sinh sản mà không sợ trứng bị loài khác ăn mất.
– Làm nên cảnh quan sinh động hơn cho hồ cá, bể cá. Nếu cây được trồng trong hồ riêng, đó như là tiểu cảnh trang trí trong nhà, đầy đủ non nước cây cỏ hữu tình, nhìn rất mát mắt và khiến không gian dễ chịu hơn.
Tuy nhiên, cây trồng thủy sinh không chỉ là thực vật cho bể cá cảnh. Đó còn là những cây cảnh phong thủy để bàn được trồng biến tấu bằng phương pháp thủy sinh. Trong số đó chúng ta có thể kể đến cây Hồng Môn, cây Phú Quý, cây Kim Ngân, cây Phát tài, cây Trầu Bà, cây Lan Ý, … Những cây này ngoài để trang trí và mang ý nghĩa phong thủy còn có thể lọc không khí, chất độc hay bức xạ rất tốt. Người ta trồng chúng trong chậu nước nhỏ để tiết kiệm không gian, diện tích mà đặt linh hoạt được ở nhiều nơi.
Một số cây cảnh phong thủy trồng thủy sinh:
Trồng cây thủy sinh cần rất nhiều kỹ thuật
Cách trồng từng loại là khác nhau
– Đối với những cây nổi, ta chỉ cần tách những nhánh nhỏ hay phần phân cắt của cây và thả lên mặt nước.
– Trường hợp cây có thân cứng mọc thẳng, hoặc bộ rễ phát triển thì ta có thể buộc gốc cây vào đá hay dùng sỏi, miếng xốp đè lên, bao quanh gốc cây để giữ cho cây khỏi bật rễ nổi lên trên mặt nước.
– Với những cây trồng có thể bén rễ ra từ thân (như cây Phát tài), có thể cắm các khúc thân đã cắt (vẫn giữ lá) vào nước, sau thời gian cây sẽ tự ra rễ.
– Có những loài có thể trồng trực tiếp trên đá và một số cây có hạt khác mọc được trên đá. Ta có thể gắn chúng lên trên hòn non bộ trong bể cá, hoặc có thể gắn trên một mảnh gỗ. Sau một thời gian, chúng sẽ phát triển trên đáy bể.
Khi trồng cây thủy sinh cần chú ý những điều sau:
– Chọn chậu, bể thủy tinh phải chọn loại có thân rộng để rễ cây được phát triển tốt, không bị chèn đè lên nhau rất dễ chết. Khi trồng, phải để một khoảng trống giữa gốc cây với phần lá cây để tránh tình trạng lá bị ngập lún, bị hỏng gây ô nhiễm môi trường nước.
– Cần cung cấp dung dịch dinh dưỡng cho cây thường xuyên để cây được phát triển tốt.
– Nếu bạn trồng cây thủy sinh trong bể cá, để cây sinh trưởng bình thường, nên chọn số lượng cây phù hợp với số lượng cá nuôi. Và cần vệ sinh bể cá theo định kỳ để đảm bảo nguồn nước được trong, sạch.
– Bạn có thể tạo điểm nhấn cho bình cây thủy sinh bằng cách thả những viên sỏi, bi, hoặc đá màu để có một sản phẩm sinh động, đẹp mắt hơn nhưng không nên bỏ quá nhiều. Đồng thời nên dùng miếng mút xốp để giữ độ ẩm cho gốc và cố định cây thẳng hơn.
Tiến hành trồng cây thủy sinh
– Rửa sạch cây và rễ nhẹ nhàng, tránh làm dập nát lá, loại bỏ một số lá đã bị vàng úa và rễ cây nào đã mục nát.
– Vệ sinh bình, chậu trồng sạch sẽ, cho nước sạch kèm dung dịch dinh dưỡng với nồng độ thích hợp từng loại cây vào.
– Cho cây vào bình, tách rễ cây sao cho chúng không chồng chéo lên nhau. Đối với cây cảnh thủy sinh trồng chậu, không thể sống trong điều kiện ngập nước, cần ngập khoảng 2/3 rễ, chừa phần thân cách lá một khoảng để khỏi úng lá.
Chăm cây trồng thủy sinh như chăm…con
Ánh sáng
Nhu cầu về ánh sáng của mỗi loài thủy sinh là không giống nhau, tuy nhiên ánh sáng vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu mà người trồng cây cần chú ý. Một số loài sinh trưởng nhanh sẽ cần ánh sáng mạnh, ngược lại các loài sinh trưởng chậm có thể sống được ở nơi ít sáng, nửa râm.
– Đối với cây được trồng trong bể cá, hồ thủy sinh, cần nắm rõ rằng ánh sáng gần mặt nước sẽ mạnh hơn so với ánh sáng sát dưới nền. Bạn cần đặt đèn chiếu sáng cho bể nếu nó nằm ở vị trí thiếu ánh nắng mặt trời.
– Cây cảnh trồng chậu đặt bàn làm việc hay ban công, … cần quan tâm cây đó thuộc loại ưa sáng hay sống được dưới ánh đèn huỳnh quang, và cần bao nhiêu giờ tắm nắng mặt trời để cây phát triển tốt.
– Nhìn chung, các cây trồng thủy sinh đều cần ánh sáng liên tục từ 8 – 10h mỗi ngày, tùy vào từng loại mà chiếu sáng bằng đèn hay cho ra ánh mắt mặt trời.
Dinh dưỡng và thay nước
– Đối với bể có cá, tôm, thì sau khoảng 6 tháng chất dinh dưỡng sẽ ít dần đi. Lúc này bạn cần cung cấp phân nước hoặc các loại dung dịch dinh dưỡng cho bể. Lưu ý, chỉ cho một lượng vừa đủ, vì nếu quá nhiều, dư thừa chất dinh dưỡng sẽ tạo điều kiện cho rêu tảo phát triển gây hại cây.
– Cây được trồng trong chậu thủy tinh nhỏ vì ít lượng nước và chất dinh dưỡng nên phải được bổ sung dung dịch thường xuyên hơn, có thể 1-2 lần/tháng.
– Khoảng 2 tuần chúng ta nên thay nước cho chậu cây 1 lần. Đối với bể cá thì có thể tăng thời gian lên là 1 tháng. Chỉ thay khoảng 50% nước trong hồ, tùy thuộc vào số lượng cá nuôi và chất lượng của hệ thống lọc nước, và đảm bảo nước mới có cùng nhiệt độ với nước trong hồ (không lạnh hơn hay nóng hơn).
– Tuyệt đối không được dùng nước máy chưa qua xử lý, chứa nhiều clo vì có thể gây hại cho cây hoặc các loài cá.
CO2
Cây cần lượng CO2 thích hợp để phát triển nên bạn phải sục khí CO2 cho bể thủy sinh thường xuyên. Tuy nhiên, không được để lượng CO2 trong nước quá đậm đặc khiến cá và các sinh vật trong bể bị thiếu Oxi để hô hấp. Nếu bể nuôi nhiều cá thì giảm cung cấp lượng khí này lại. Nước trong bể có thể cân bằng ổn định vì cá sẽ thải khí này ra cho cây.
Những Lưu ý khác
– Đá sỏi và cát phải được rửa sạch để tránh gây ô nhiễm nước trong hồ. Có thể dùng đất sét trộn lẫn với cát tạo thành một lớp nền ở đáy hồ làm chỗ đính cây vào. Dĩ nhiên là đất hay phân dùng phải là những loại không hòa tan trong nước.
– Cây trồng thủy sinh bị vàng hay rụng lá là do cây thiếu ánh sáng. Hãy thường xuyên cho cây ra hấp thụ ánh nắng mặt trời vào buổi sáng sớm hoặc chiều tàn muộn, thời gian khoảng tầm 2 tiếng mỗi ngày để cây quang hợp, trao đổi chất tốt nhất.
– So với cây trồng trong đất, cách trồng không đất này sẽ khiến cây có rễ trơn, trắng hơn. Nếu bộ rễ bị nấm mốc hoặc lúc mới chuyển cây từ trồng đất sang chậu nước, cần dùng vôi hoặc dung dịch rửa thích hợp để rửa sạch đất bám hoặc mốc. Mặt khác, đối với một số loài cây mọc thành bụi, nên dùng tay nhẹ nhàng tách nhỏ ra để trồng.
Tóm lại, cây thủy sinh thực sự không quá khó trồng, nhưng bạn cần phải sử dụng đúng phương pháp và tỉ mỉ trong cách chăm sóc. Nếu băn khoăn không biết nên chọn loại cây nào để trồng trong hồ thủy sinh ở nhà, bạn có thể tham khảo ở đây.