Home

Top 7 cách trị nám da phổ biến nhất hiện nay

Nám da là một trong số triệu chứng về da mà các chị em không muốn gặp phải.Khác với tàn nhang, nám da bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Do đó bạn phải có các biện pháp điều trị và chăm sóc da hợp lý . Sau đây là top 7 cách trị nám da phổ biến nhất hiện nay.

7 Cách điều trị nám da

Nám da là tình trạng da liễu thường gặp ở nữ giới, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai, sau khi sinh và nữ giới trong giai đoạn tiền mãn kinh. Tình trạng này thực chất là một dạng tăng sinh sắc tố lành tính với cơ chế phức tạp.

Theo các chuyên gia Da liễu, nám da có thể xảy ra do nhiều yếu tố cộng hưởng như rối loạn nội tiết, căng thẳng thần kinh kéo dài, ảnh hưởng của quá trình lão hóa, thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, lạm dụng mỹ phẩm chứa chất lột tẩy,…

Dựa vào biểu hiện lâm sàng, nám được chia thành 3 loại bao gồm nám mảng, nám chân sâu (nám đốm, nám hạ bì) và nám hỗn hợp. Mỗi loại nám có đặc điểm lâm sàng, biểu hiện, tính chất và phương pháp điều trị khác nhau.

Dưới đây là các cách điều trị nám da phổ biến nhất hiện nay, bao gồm:

1. Sử dụng kem bôi trị nám

Sử dụng thuốc bôi trị nám thường được áp dụng đối với nám mảng – chân nám ở lớp thượng bì, không ăn sâu vào trung bì, hạ bì và có màu sắc nhạt. Dùng thuốc đều đặn có thể làm mờ các mảng nám, cải thiện màu da, giúp duy trì làn da ẩm mượt, mịn màng và tươi trẻ.

Một số loại kem bôi trị nám được sử dụng phổ biến, bao gồm:

– Thuốc bôi chứa Hydroquinone:

Hydroquinone (HQ) là hoạt chất có tác dụng làm sáng da, trị thâm và các đốm nâu do tàn nhang, nám da gây ra. Hoạt chất này có khả năng ngăn chặn quá trình chuyển đổi DOPA thành melanin bằng cách ức chế enzyme tyrosine. Một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng, HQ không chỉ tác động đến quá trình hình thành melanin mà còn tác động đến màng tế bào của melanin và thậm chí có thể tiêu diệt các sắc tố này.

Hiện nay, HQ thường được sử dụng trong các chế phẩm trị thâm mụn, tàn nhang và nám da với nồng độ từ 2 – 5%. Các chế phẩm này được sử dụng trong vòng 3 tháng, sau đó ngưng ít nhất 3 tháng mới được sử dụng lại. Để tăng hiệu quả trị nám, bác sĩ thường chỉ định HQ với một số loại bôi chứa Retinoid, Axit glycolic,…

Mặc dù có hiệu quả trị nám cao nhưng HQ có thể gây kích ứng da (ngứa, ban đỏ, bạc móng,…), viêm da tiếp xúc và hồng cầu nhược sắc tạm thời. Ngoài ra, sử dụng HQ có nồng độ hơn 5% có thể gây ra tình trạng da đổi thành màu xanh đen (thường gặp ở người da đen).

– Thuốc bôi chứa Acid azelaic:

Acid azelaic là hợp chất hữu cơ được tìm thấy trong các loại ngũ cốc như lúa mạch, lúa mạch đen và lúa mì. Với đặc tính giảm viêm, kháng khuẩn và tác động đến quá trình sản xuất keratin, hợp chất này được ứng dụng để điều trị các vấn đề da liễu thường gặp như nám da, tàn nhang và mụn trứng cá.

Acid azelaic có khả năng phá vỡ cấu trúc của sắc tố melanin, từ đó giúp làm giảm sẹo mụn, đốm nâu do tàn nhang và nám da. Hiệu quả giảm thâm nám của hoạt chất này (20%) được đánh giá tương đương với Hydroquinone (2 – 4%) nhưng có độ an toàn cao và ít gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi sử dụng chế phẩm chứa Acid azelaic là ngứa ran, châm chích, tróc vảy và khô da. Tuy nhiên các triệu chứng này thường có xu hướng thuyên giảm sau một thời gian sử dụng.

– Thuốc bôi chứa Glycolic acid:

Glycolic acid là dẫn xuất của AHA (alpha hydroxyl acid) có khả năng tan trong nước và hoạt động mạnh trên bề mặt da. Thành phần này có khả năng nới lỏng liên kết giữa các tế bào chết giúp loại bỏ các tế bào già cỗi, hư hại và kích thích tái tạo mô da mới. Hơn nữa với cơ chế này, Glycolic acid có thể làm mờ các vết thâm sạm, nám da và tàn nhang trên bề mặt và giúp da đều màu, giảm các nếp nhăn nông.

Hiện nay, chế phẩm dạng bôi chứa Glycolic acid thường được bác sĩ chỉ định kết hợp với Hydroquinone có nồng độ từ 2 – 5% nhằm tăng hiệu quả điều trị nám da. Tuy nhiên việc kết hợp 2 thành phần có hoạt tính mạnh có thể khiến da bị kích ứng, mỏng và dễ bắt nắng. Vì vậy, cần sử dụng kem chống nắng thường xuyên trong suốt thời gian điều trị.

– Thuốc bôi chứa Tretinoid:

Tretinoid là dẫn xuất dạng dùng ngoài của vitamin A. Hoạt chất này có tác dụng gia tăng tốc độ tái tạo da, giảm hoạt động của tuyến bã nhờn và đào thải tế bào chết. Với cơ chế này, Tretinoid được ứng dụng để điều trị mụn trứng cá, vẩy nến, viêm nang lông và sẹo rỗ, sẹo thâm sau mụn. Bên cạnh đó, thành phần này còn có tác dụng ức chế các enzyme gây hư hại collagen và elastin.

Mặc dù không tác động trực tiếp đến sắc tố melanin những loại thuốc này có thể loại bỏ tế bào sừng và tăng tốc độ tái tạo của làn da. Để tăng hiệu quả trị nám và tàn nhang, chế phẩm chứa Retinoid thường được sử dụng cùng với Hydroquinone hoặc Glycolic acid.

– Thuốc bôi chứa vitamin C:

Vitamin (Ascorbic acid) được đánh giá là thành phần thiết yếu đối với làn da. Thành phần này có tác dụng chống oxy hóa, kích thích da tăng sinh collagen và tiêu trừ sắc tố melanin. Hiện nay, các sản phẩm chăm sóc và điều trị chứa vitamin C thường được sử dụng trong trường hợp da lão hóa, sạm nám, thâm mụn và tàn nhang.

Tuy nhiên, vitamin C có thể khiến các nốt mụn bọc trở nên viêm đỏ và sưng to hơn. Vì vậy, cần tránh dùng các loại kem bôi trị nám chứa thành phần này nếu da mặt có quá nhiều mụn viêm đỏ.

Ngoài những loại thuốc trên, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số loại thuốc bôi trị nám chứa Arbutin, Kojic acid, Lactic acid, Mandelic acid,…

Các loại thuốc điều trị nám da thường cho hiệu quả chậm nên cần kiên trì sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng. Bên cạnh đó, cần thực hiện đồng thời với các bước chăm sóc da cơ bản (làm sạch – dưỡng ẩm – chống nắng).

Lưu ý: Các hoạt chất trị nám có thể khiến da nhạy cảm hơn, vì vậy cần hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong khung giờ từ 9:00 – 16:00 hằng ngày.

kem trị nám eucerin

2. Dùng thuốc điều hòa nội tiết tố

Rối loạn nội tiết tố là một trong những yếu tố có thể gây sạm nám, tàn nhang và lão hóa da. Đối với những trường hợp này, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc uống hoặc viên uống bổ sung nhằm điều hòa hormone estrogen, cải thiện sức khỏe làn da và giảm sạm nám.

Các loại điều hòa nội tiết đặc hiệu (Estradiol, Dydrogesterone) thường được chỉ định đối với phụ nữ mãn kinh (đã kết thúc kỳ kinh ít nhất 12 tháng). Loại thuốc này có tác dụng bổ sung estrogen cho cơ thể và cải thiện các triệu chứng do suy giảm nội tiết như loãng xương, khô âm đạo, bốc hỏa, da nhăn nheo, sạm nám, kém đàn hồi,… Tuy nhiên, nữ giới cần loại trừ khả năng bị u ác tính phụ thuộc hormone estrogen trước khi sử dụng.

Ngoài thuốc điều hòa nội tiết đặc hiệu, bác sĩ có thể chỉ định một số viên uống hỗ trợ chứa tinh chất mầm đậu nành (estrogen thực vật), bạch quả, tinh dầu hoa anh thảo, vitamin, khoáng chất,… Các sản phẩm này có tác dụng cân bằng nội tiết, cải thiện sức khỏe và chức năng sinh lý của nữ giới.

Thuốc tăng nội tiết tố được chỉ định trong thời gian dài và thường cho tác dụng chậm. Vì vậy, nên phối hợp với việc sử dụng thuốc bôi trị nám để tăng hiệu quả điều trị.

3. Điều trị nám da bằng laser

Điều trị nám da bằng laser là phương pháp tương đối phổ biến. Phương pháp này sử dụng tia laser có bước sóng phù hợp tác động vào chân nám (ở trung bì hoặc hạ bì) nhằm phá hủy tế bào melanin, làm mờ vết nám và cải thiện sắc tố da. Tế bào melanin bị phá hủy sẽ được đào thải qua lỗ chân lông trên bề mặt da.

So với sử dụng thuốc bôi và thuốc điều trị nội tiết, điều trị bằng tia laser đem lại hiệu quả rõ rệt và nhanh chóng. Tùy vào mức độ nám, liệu trình thực hiện có thể bao gồm 5 – 10 buổi, mỗi buổi thực hiện kéo dài khoảng 30 – 40 phút.

Ngoài khả năng trị thâm nám, phương pháp này còn kích thích da sản sinh collagen, cải thiện nếp nhăn, giúp da đều màu, sáng mịn và chậm lão hóa.

Tuy nhiên thực hiện trị nám bằng laser tại các phòng khám không có đủ thiết bị, máy móc và bác sĩ tay nghề kém có thể gây ra nhiều hệ lụy như ngứa ngáy, hình thành sẹo trắng, sẹo lõm, sẹo lồi và nhiễm trùng. Hơn nữa sau khi laser, cần chống nắng và chăm sóc đúng cách để da tái tạo và phục hồi hoàn toàn.

4. Chemical peeling/ lột da hóa chất

Chemical peeling (lột da hóa chất) là phương pháp làm đẹp có nguồn gốc từ các nước châu Âu. Phương pháp này sử dụng hóa chất (chủ yếu là axit nồng độ cao) thoa trực tiếp lên da mặt nhằm tẩy tế bào sừng, thúc đẩy da tái tạo, làm mờ vết thâm, tàn nhang, cải thiện các nếp nhăn nông, nhỏ, hỗ trợ giảm sẹo lõm và điều trị mụn trứng cá.

Tùy vào tình trạng da của từng trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định dùng dẫn xuất của BHA hoặc AHA. Đối với các vấn đề do tăng sinh sắc tố, bác sĩ thường sử dụng các dẫn xuất của AHA (alpha hydroxy acid) như Lactic acid, Citric acid, Mandelic acid, Glycolic acid,… với nồng độ từ 10 – 30%.

Quá trình thực hiện lột da hóa chất tương đối đơn giản và chỉ kéo dài trong khoảng 20 – 30 phút. Để loại nám hoàn toàn, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện từ 3 – 5 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 14 ngày.

Chemical peeling sử dụng axit có nồng độ cao nên có thể gây kích ứng đối với người có làn da nhạy cảm. Hơn nữa, phương pháp này có thể khiến da khô, căng rát và bắt nắng. Vì vậy khi điều trị nám bằng Chemical peeling, cần chăm sóc và bảo vệ da nghiêm ngặt để đảm bảo hiệu quả và hạn chế các tác dụng không mong muốn.

Lưu ý: Trên thị trường có nhiều sản phẩm peeling tại nhà chứa axit nồng độ cao. Tuy nhiên, các sản phẩm này chỉ thích hợp với người đã sử dụng chế phẩm chứa axit trong thời gian dài, am hiểu tường tận về nguyên lý hoạt động của axit và nắm rõ cách chăm sóc, phục hồi da. Sử dụng sản phẩm chứa axit nồng độ cao sai cách có thể khiến da bỏng rát, kích ứng và tổn thương nghiêm trọng.

5. Chú trọng chống nắng, bảo vệ da

Tia UVB trong ánh nắng mặt trời là một trong những yếu tố gây sạm nám và khiến các mảng, đốm nâu trên bề mặt da có xu hướng đậm màu dần theo thời gian. Ngoài ra, UVB có thể gây cháy nắng, kích thích sản sinh melanin, làm giảm khả năng sản xuất elastin và collagen.

Vì vậy bên cạnh các phương pháp điều trị, cần chống nắng và bảo vệ da nghiêm ngặt. Thực tế cho thấy, không chống nắng cho da đều đặn có thể làm giảm hiệu quả của các phương pháp điều trị, đồng thời khiến nám da phát triển mạnh, lan rộng, ăn sâu vào cấu trúc và khó điều trị dứt điểm hoàn toàn.

Các biện pháp chống nắng và bảo vệ da:

  • Sử dụng kem chống nắng hằng ngày (ngay cả khi làm việc ở trong nhà). Thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài ít nhất 15 – 20 phút.
  • Đeo khẩu trang, đội mũ hoặc sử dụng dù khi di chuyển dưới trời nắng.
  • Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng có cường độ mạnh (từ 9:00 – 16:00 hằng ngày) – ngay cả khi có sử dụng kem chống nắng.
  • Không để da mặt tiếp xúc thường xuyên với bụi bẩn, không khí ô nhiễm, hóa chất và chất gây dị ứng. Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng các loại mỹ phẩm lột tẩy không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
  • Cần vệ sinh da mặt 2 lần/ ngày để làm sạch bụi bẩn, bã nhờn và tế bào chết tích tụ trong lỗ chân lông. Đồng thời, nên sử dụng kem dưỡng ẩm thường xuyên để duy trì làn da căng bóng, mềm mại và mịn màng. Hơn nữa, làn da được cung cấp đủ độ ẩm có khả năng hấp thu tối đa dưỡng chất từ các sản phẩm điều trị.
  • Tránh các thói quen gây hại đến da như chà xát mạnh, thường xuyên đưa tay lên da mặt, thức khuya, trang điểm đậm, không làm sạch da,…

Chống nắng và bảo vệ da đúng cách có thể giảm thiểu nguy cơ hình thành các đốm, mảng nám mới. Bên cạnh đó, biện pháp này còn giúp làn da hấp thu tối đa dưỡng chất có trong các sản phẩm điều trị, nhanh chóng đẩy lùi các đốm nám, tàn nhang và giúp duy trì làn da khỏe mạnh, mịn màng.

kem trị nám eucerin

6. Hỗ trợ giảm nám với lối sống lành mạnh

Khác với tàn nhang, nám da bị ảnh hưởng bởi cả yếu tố bên ngoài lẫn bên trong. Vì vậy bên cạnh các biện pháp điều trị và chăm sóc, cần thực hiện lối sống lành mạnh để nuôi dưỡng làn da và tác động toàn diện đến quá trình điều trị nám.

Lối sống lành mạnh giúp hỗ trợ quá trình điều trị nám da:

  • Thay đổi các thói quen gây rối loạn nội tiết và làm nghiêm trọng tình trạng sạm nám da như thức khuya, căng thẳng quá mức, làm việc quá sức,…
  • Dành thời gian nghỉ ngơi, giảm khối lượng công việc và thực hiện một số hoạt động giúp giải phóng các suy nghĩ tiêu cực như tập yoga, bơi lội, đọc sách, trò chuyện với người thân,…
  • Bổ sung các loại thực phẩm và thức uống tốt cho làn da như nước, rau xanh, trái cây, ngũ cốc, cá, một số loại hải sản, đậu, các loại hạt,… Hạn chế dùng thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều gia vị, chất bảo quản, rượu bia và cà phê.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá. Một số nghiên cứu cho thấy, nicotin và asen có trong khói thuốc có thể khiến da sạm nám, thiếu sức sống và thúc đẩy tốc độ lão hóa.
  • Tâm lý lạc quan, vui vẻ là một trong những yếu tố tác động tích cực đến kết quả điều trị nám da, tàn nhang. Vì vậy nên duy trì thái độ sống lạc quan, tránh lo lắng và suy nghĩ quá nhiều.

kem trị nám eucerin

7. Giảm nám da với nguyên liệu tự nhiên

Hiện nay, khá nhiều người lựa chọn điều trị nám da bằng các nguyên liệu tự nhiên. Phương pháp này cho hiệu quả hạn chế, tác dụng chậm và không thực sự mang lại cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, công thức từ các nguyên liệu tự nhiên có độ an toàn cao, chi phí phù hợp và có thể linh động phối hợp nhiều nguyên liệu tùy vào nhu cầu và sở thích cá nhân.

Một số công thức giảm nám da với nguyên liệu tự nhiên:

  • Mặt nạ nghệ và sữa chua: Mặt nạ nghệ và sữa chua chứa hoạt chất curcumin, axit lactic và nhiều vitamin thiết yếu cho làn da. Công thức này có tác dụng tẩy tế bào chất nhẹ dịu, dưỡng ẩm, làm mờ vết thâm và loại bỏ mảng nám trên bề mặt da. Ngoài ra, nghệ còn có tác dụng sinh cơ giúp hỗ trợ thu nhỏ lỗ chân lông và lấp đầy các vết sẹo lõm.
  • Trị nám da bằng giấm táo: Axit acetic trong giấm táo có khả năng làm mờ đốm nâu, tấy tế bào chết và làm sạch bã nhờn trong lỗ chân lông. Khi sử dụng, nên pha loãng giấm táo với nước lọc theo tỷ lệ 1:1, sau đó dùng tăm bông thấm hỗn dịch thoa lên các đốm nám từ 3 – 5 lần và rửa sạch sau 10 – 15 phút. Axit trong giấm táo có thể khiến da mỏng và dễ bắt nắng. Vì vậy cần dùng kem chống nắng và che chắn da khi áp dụng công thức này.
  • Mặt nạ từ yến mạch và sữa tươi: Avenanthramides và axit ferulic trong yến mạch đã được chứng minh về hiệu quả chống dị ứng, giảm ngứa và bảo vệ da. Bên cạnh đó, nguyên liệu này còn có tác dụng tẩy tế bào chết, cải thiện tình trạng da xỉn màu, sạm nám và tàn nhang. Áp dụng công thức từ yến mạch và sữa tươi đều đặn 3 – 4 lần/ ngày giúp làm mờ vết nám, cải thiện lỗ chân lông và tăng cường sức đề kháng cho da.

kem trị nám eucerin

Một số lưu ý khi điều trị nám da

Nám da là một dạng tăng sắc tố lành tính có cơ chế phức tạp. Chính vì vậy, tình trạng này rất khó điều trị hoàn toàn và có khả năng tái phát cao.

Để quá trình điều trị đạt được kết quả như mong muốn, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không tự ý điều trị nám tại các phòng khám và cơ sở thẩm mỹ không có đủ chuyên môn, máy móc và thiết bị không đảm bảo vô trùng hoàn toàn.
  • Nên tìm gặp bác sĩ Da liễu để được đánh giá mức độ, phân loại nám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
  • Cần kiên trì áp dụng các biện pháp điều trị trong thời gian dài. Bên cạnh đó, nên phối hợp với lối sống lành mạnh và chế độ chăm sóc da khoa học để đạt được hiệu quả tối ưu.
  • Không sử dụng các sản phẩm trị nám, tàn nhang và các sản phẩm lột tẩy không có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng.
  • Hạn chế trang điểm trong thời gian điều trị. Chì và hương liệu tổng hợp trong các sản phẩm này có thể khiến da nhạy cảm và dễ bắt nắng.

Trên đây là top 7 cách điều trị nám da được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Bạn có thể tham khảo để tìm ra biện pháp phù hợp nhất với mình. 

Bài viết liên quan:

Review bộ mỹ phẩm Eucerin trị thâm nám White Therapy dành cho da thâm, nám, tàn nhang