Sứ là loài cây rất dễ trồng, có khả năng nhân giống nhanh, cho hoa đẹp và rất đa dạng từ màu sắc cho đến kích thước. Hiện nay, cây sứ còn có thể uốn tạo thành cây kiểng với nhiều thế rất đẹp. Vì vậy, cây sứ được rất nhiều người ưa thích, trồng sứ sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trong bài viết này, chúng tôi xin chia sẻ với bạn cách trồng và chăm sóc cây hoa sứ, cùng tìm hiểu nhé.
Nội dung
Đất trồng và lượng nước tưới cho cây
– Đất trồng:
Hỗn hợp đất trồng sẽ bao gồm: tro trấu hạt to (40%), bột dừa (20% – 30%), phân bò hoai bóp nhuyễn (10%), vỏ đậu phộng (10%), vỏ trấu tươi (10%), đảm bảo sao cho đất trồng thoát nước nhanh.
Ủ trong 15 ngày, cách 2 tháng bổ sung thêm Dynamic Lifter trên mặt chậu, xen kẽ với bánh dầu bột.
– Lượng nước tưới:
++ Nếu dùng nước giếng, phải đảm bảo nước không bị nhiễm mặn hay nhiễm phèn thì cây sứ mới phát triển tốt.
++ Nếu dùng nước máy thì phải để nước bên ngoài trước để chất clo trong nước bay hơi rồi mới đem tưới nước cho cây.
Lưu ý khi sử dụng bình phun để tưới, nước chỉ phủ trên bề mặt đất, không đủ cho cây nên cây sẽ bị rụng và vàng lá. Cần phải tưới trực tiếp vào gốc với lượng nước vừa đủ.
Cách trồng cây Hoa sứ ra hoa đẹp
Có 2 cách trồng sứ là gieo hạt và giâm cành, trong đó phổ biến nhất là phương pháp giâm cành, trồng trong chậu phổ biến hơn so với trồng sân vườn vì vừa đẹp vừa dễ chăm sóc.
+ Chậu trồng sứ cần đục lỗ ở đáy để thoát nước, có thể độn một ít đá, gạch nhỏ dưới đáy chậu, tránh làm đất trồng bịt kín lỗ, hoặc rễ sứ chìa ra ngoài lỗ thoát nước, lâu ngày lớn lên làm bít hết lỗ thoát nước.
+ Dùng đất trồng đổ khoảng 2/3 chậu sau đó đặt cây sứ vào, sửa ở giữa chậu, bộ rễ xoè ra cân đối. Tiếp tục thêm đất sao cho đất chỉ ngập một phần rễ và gần ngang bằng miệng chậu. Bộ củ rễ to nếu có phải nằm lên trên miệng chậu, đất trồng phải thấp hơn miệng chậu, để khi tưới nước không tràn ra ngoài.
+ Cây sứ trồng lâu ngày, bộ rễ phình to, phải chuyển sang chậu mới to hơn, đồng thời nâng bộ rễ cho cao lên khỏi miệng chậu, dáng cây mới đẹp.
+ Sang chậu mới phải đặt cây cho ngay ngắn, nâng bộ rễ lên, đồng thời uốn sửa cây theo ý người chơi, bỏ đất vào khoảng ngang bằng miệng chậu và tưới đủ ẩm.
Cách sửa bộ rễ và tạo hình
– Bước 1:
Nhổ cây sứ khỏi chậu, khều bớt đất quanh bộ củ ra bằng que tre, tránh làm trầy củ và đứt, dập rễ, dùng vòi xịt để rửa sạch đất bám ở rễ củ.
– Bước 2:
Dùng dao đủ bén cắt bộ nhánh sứ để to dáng theo ý muốn, đồng thời tỉa bỏ những rễ nhỏ quanh bộ củ, phần mà ta sẽ trồng nổi lên sau này.
Cắt bỏ rễ cám xung quanh các chùm đầu rễ phía dưới, việc này giúp ta tránh được hiện tượng thối rễ lúc trồng lại vô chậu.
Tất cả các vết cắt nhánh, rễ củ đều được trét thuốc trừ bệnh hay vôi tôi, sơn, nhằm làm khô vết cắt, tránh nhiễm bệnh và úng sau khi trồng lại vô chậu.
– Bước 3:
Treo sứ lên, phơi khô nơi râm mát từ 5-10 ngày, nhằm làm vết cắt khô và lành đi. Lưu ý cần treo ở nơi khô mát chứ không treo ở nơi có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, sẽ làm cây sứ bị phỏng và hư thối bởi những vết bỏng này.
– Bước 4:
Đem sứ trồng vào chậu đã định trước, chất liệu tùy theo bạn chọn đất đã được tưới vừa đủ ướt trước khi trồng, và sau khi trồng đem chậu sứ để nơi nắng 50%, trong thời gian 15-20 ngày khi những mầm sứ bắt đầu nhú ở vết cắt.
Thời gian đầu nhú mầm, ta chỉ tưới sương nhẹ ở lớp đất mặt nếu thấy khô để giữ ẩm, chứ không tưới ngập tràn dễ làm thối sứ.
– Bước 5:
Khi sứ nhú mầm cần để cây sứ ở nơi nắng 80-100%. Giai đoạn này ta có thể tưới nước bình thường. Chú ý lúc này cây sứ rất dễ có sâu, cách tốt nhất là lượm trứng và bắt sâu con vừa xuất hiện hơn là dùng thuốc, vì dễ làm lá non sứ bị cháy.
Bón thêm phân hữu cơ khi cây đã ra chồi non, có lá hoàn chỉnh. Bởi nếu bón sớm, bộ rễ cây còn non dễ bị cháy rễ, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.
– Bước 6:
Sau khi cắt, trong quá trình cây sứ ra chồi, bắt đầu ra hoa thì việc chăm sóc tưới cây hằng ngày, định kỳ bón phân, có thể kéo dài hơn 6 tháng.
Đến lúc tàn sứ sẽ bắt đầu mất dáng, cành dài và ngã đổ, ta sẽ xử lý như ban đầu hoặc chỉ cần cắt to dáng lại nhưng không thay chậu, đất mới.
Cách bón phân cho hoa sứ
Các loại phân thích hợp cho sứ nhất là:
++ Phân trâu, bò, heo hoai mục, bánh dầu, dùng để bón lúc trồng hoặc khi thay chậu, sửa rễ.
++ Phân vô cơ như đạm, lân, kali, NPK, phân bón lá dùng cho bón thúc định kỳ trong năm.
Tùy theo tuổi cây, ta có thể bón phân theo loại và liều lượng như sau:
>>> Cây sứ sau khi ra ngôi (mới trồng từ cành giâm) – dưới 6 tháng tuổi:
Hòa loãng 10-15gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE trong 10-15 lít nước tưới đủ ẩm, cách nhau khoảng 15-20 ngày/lần.
Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày lần nhằm kích thích ra chồi, lá, rễ.
>>> Cây sứ từ 6 tháng – 1 năm:
Bón thúc định kỳ 20-30gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần.
Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005 phun định kỳ 7-10 ngày/lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Có thể sử dụng Đầu Trâu 007 phun khi muốn cho sứ ra hoa.
>>> Cây sứ trên một tuổi, có hoa ổn định:
Bón thúc định kỳ 20-30gr phân NPK 20-20-15 + TE hoặc NPK 16-12-8 + TE/chậu, cách nhau 20-30 ngày/lần.
Kết hợp dùng phân bón lá Đầu Trâu 005, phun định kỳ 7-10 ngày lần, kích thích ra chồi, lá, rễ. Đầu Trâu 007 kích thích ra hoa và Đầu Trâu 009 có tác dụng dưỡng hoa lâu tàn.
Điều khiển cây hoa sứ có hoa
Muốn cây sứ ra nhiều hoa, không nên để cành sứ quá dài, mà phải được cắt đi sau mỗi đợt hoa tàn, cắt nhiều lần, mỗi lần chỉ cắt cao thêm một đoạn ngắn, nhiều đoạn ngắn sinh thêm ra nhiều nhánh, nhiều nhánh sẽ có nhiều hoa.
Muốn sứ ra hoa vào dịp tết cần căn cứ:
– Nếu lượng mưa đều trong năm, khí hậu ôn hòa thì cắt cành sứ vào dịp rằm tháng 7 âm lịch.
– Nếu trong năm nắng nhiều, mưa ít, hạn hán kéo dài thì cắt cành sứ muộn hơn vào khoảng đầu tháng 8.
Kết hợp với phun định kỳ các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao, khi thấy lá chuyển sang màu vàng rồi rụng, ở đầu đọt ngưng phát triển, lá non có những mụn lốm đốm thì đây là thời kỳ cây đang hình thành nụ.
Trên đây là hướng dẫn cách trồng và chăm sóc cây hoa sứ. Hi vọng những chia sẻ này sẽ hữu ích với các bạn.
Xem thêm: Cách trồng và chăm sóc cây Trạng Nguyên cho hoa nở đỏ rực