Cây cỏ gừng hay còn gọi là Cỏ ống, Cỏ gà, Cỏ chỉ thuộc họ Lúa.
Mô tả:
Cỏ sống dai nhờ thân rễ ngắn. Thân có nhiều cành, mọc bò dài, thỉnh thoảng lại phát ra những nhánh thẳng đứng. Lá phẳng ngắn, hẹp, nhọn, dài 3 – 4cm, hơi có màu lam.
Cụm hoa gồm 2 – 5 bông hình ngón tay, mảnh, dài 2,5 – 5cm màu xanh hay tím, tỏa trên đỉnh một cuống mảnh, mỗi bông có các hoa phẳng hợp thành hai dãy bông nhỏ song song. Quả thóc, hình thoi thường dẹt, không có rãnh.
Bộ phận dùng:
Thân rễ là chính. Cũng có khi dùng cả chồi non, nhưng lá thân và bông cũng có thể dùng được.
Nơi sống và thu hái:
Cây cỏ gừng mọc hoang khắp nơi ở nước ta. Thường gặp nơi ẩm thấp, trong các vườn. Đào cây, cắt lấy thân rễ, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô.
Hoạt chất và tác dụng:
Cỏ gừng giàu về đường, các muối kali. Nó có các tính chất lợi tiểu và lọc máu, làm toát mồ hôi và giải khát. Thường được dùng trong các bệnh nhiễm trùng với sốt rét, trong các trường hợp rối loạn tiết niệu, viêm thận và bàng quang, thấp khớp, thống phong, cơn đau sỏi thận. Cũng dùng trị bệnh vàng da, viêm mô tế bào, sỏi gan hay sỏi mật mà các loại thuốc khác không có tác dụng.
Theo Y học cổ truyền, cỏ Gừng có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng hành huyết, lương huyết, lợi tiểu tiện, giải độc. Thường dùng làm thuốc giải độc ăn uống, trị rắn cắn, trị phong thấp nhức mỏi. Đàn bà huyết nhiệt, kinh nguyệt không đều, bạch đới. Trẻ em, người lớn nóng sốt cao, tiểu ít hay bí đái.
Cách dùng:
Có thể dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc hãm. Có khi dùng toàn cây hay thân rễ sắc uống trị bệnh về gan: lấy 20g cho vào 1 lít nước sắc kỹ, ngày uống 2 chén, liên tục trong 3 – 4 ngày. Nếu hãm uống, dùng 20g rễ hãm một phút trong 1 lít nước đun sôi, loại bỏ nước này; bốc vỏ thân rễ đi rồi lại cho vào một lít nước khác đun sôi trong 10 phút, có thể thêm một nắm Cam thảo, 1 nắm Bạc hà, 1 quả Chanh, mỗi ngày uống 2 chén. Dùng trong các trường hợp bị bệnh gan và bàng quang: vàng da, sỏi mật, cơn đau sỏi thận, viêm bàng quang … và cả trong các trường hợp viêm mô tế bào, bí tiểu tiện và thống phong.
Có thể dùng dịch tươi. Để trị rắn cắn, dùng thân rễ nhai nuốt nước; lấy bã đắp vào chỗ bị cắn.
Nguồn: PTS. Võ Văn Chi – Cây thuốc trị bệnh thông dụng – NXB Văn hóa