Theo quan niệm dân gian, quả hồ lô (quả bầu) được tượng trưng cho trời và đất, nhà nào trồng hồ lô là mang điềm lành về cho gia đình, quả càng tròn đầy, đẹp đẽ càng tượng trưng cho sự viên mãn của điềm lành. Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn trồng hồ lô tại nhà, cho quả đẹp, mộng tròn.
Theo Đông y quả bầu có vị ngọt, tính hơi lạnh, có tác dụng trị tâm nhiệt phiền phát, hoạt tràng, lợi tiểu tiện, chữa bệnh tiêu khát uống nhiều, đái tháo, và máu nóng sinh mụn lở. Lá bầu vị ngọt, tính bình, có thể làm thức ăn. Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải thải độc. Nấu tắm cho trẻ để phòng ngừa các bệnh đậu, sởi, lở ngứa. Hạt bầu đùng chữa lợi răng sưng đau, răng lung lay.
Những bước chuẩn bị để trồng hồ lô cho quả đẹp, mộng tròn
Chuẩn bị:
Đất trồng: Có thể sử dụng bất kỳ các loại đất trồng nào mua ở các cửa hàng vì bầu thích hợp với các loại đất, nhưng tốt nhất nên mua loại đất sinh học sạch, giầu dinh dưỡng để cây phát triển tốt và khỏe mạnh, hạn chế sâu bệnh.
Chậu trồng: chậu trồng bầu hồ lô có đường kính 30cm hoặc lớn hơn, nếu bạn dùng chậu 30cm chỉ nên trồng 1 cây trong 1 chậu, nếu trồng hồ lô bằng thùng xốp cỡ to thì trồng 2-3 cây vào 1 thùng. Với hồ lô thì chậu càng to cây càng to và khi cây càng to thì ra càng nhiều quả.
Hạt giống: Có thể mua hạt giống ở các cửa hàng. Hiện có 2 giống phổ biến là giống ngắn ngày (thu hoạch sau 42 ngày gieo trồng) và giống thường (thu hoạch sau 50-55 ngày kể từ khi gieo trồng)
Thời gian trồng: Hồ lô có thể trồng được quanh năm nhưng vào mùa nắng cây ít sâu bệnh và ra nhiều quả hơn mùa mưa.
Ươm hạt:
Vỏ của hạt hồ lô dày và cứng nên bạn có thể ngâm hạt giống vào nước ấm nhẹ từ 4-12h trước khi gieo. Trước khi ươm hạt bạn xới cho đất tơi xốp, đặt hạt giống lên đất ở tư thế nằm ngang và phủ lên một lớp đất dầy 1-2cm. Lưu lý chỉ phủ nhẹ đất lên và không nén chặt xuống để hạt mầm có thể thoải mái cựa mình khi nhú lên nhé.
Khi gieo hạt xong bạn chỉ cần phun nước hoặc tưới nhẹ để đảm bảo đất đủ độ ẩm cho hạt giống nẩy mầm, sau 7-14 ngày hạt sẽ nhú mầm và mọc thành cây con. Lưu ý ở giai đoạn ươm này bạn cần đặt chậu ươm ở vị trí tránh chuột hoặc có biện pháp đậy miệng chậu bằng lưới hoặc bìa để tránh chuột ăn mất hạt.
Hướng dẫn cách trồng hồ lô cho quả đẹp, mộng tròn
Sau khi nẩy mầm được 7 ngày cây con sẽ có khoảng 3-4 lá thật và có chiều cao từ 20-30cm. Lúc này có thể mang cây con ra trồng được. Khi đánh cây con khỏi chậu ươm cần nhẹ tay vì rễ bầu rất nhậy cảm. Khoảng cách trồng giữa 2 cây thích hợp từ 20cm trở lên.
Sau khi trồng hồ lô vào chậu bạn sẽ cần làm giàn để cây leo lên. Giàn có thể làm từ nhiều chất liệu như dây thép, dây thừng nhưng ưu tiên số một là giàn làm bằng tre vì khi nắng nóng không gây tổn thương đến dây bầu. Kích thước của giàn tùy chọn, bạn làm giàn rộng và cao thế nào tùy vào không gian và diện tích của gia đình miễn là thuận tiện cho việc chăm sóc là được.
Cây 1 tháng tuổi sẽ ra hoa và đậu trái, thường thì ở một cây số lượng hoa đực sẽ nhiều hơn hoa cái, hoa tự thụ phấn nhờ gió hoặc côn trùng.
Hoa đực ngắn, cánh hoa to hơn hoa cái, hoa cái dài hơn hoa đực do có phần bầu đài hoa bên dưới. Sau khi đã được thụ phấn thành công chỉ sau 1 đến 2 ngày hoa cái sẽ cong xuống và hình thành trái non, lúc này trái sẽ lớn rất nhanh, các bạn sẽ thấy trái lớn từng ngày một rất thích.
Việc chăm sóc giàn hồ lô rất đơn giản. Khi cây cao khoảng 1m bạn có thể dùng bã chè đắp quanh gốc và tưới nước vo gạo và nước sạch hàng ngày. Sau 1-2 tháng bạn có thể bổ sung thêm đất mới vào gốc để bầu có thêm dinh dưỡng. Nếu giàn bầu của bạn đậu rất nhiều quả thì cần buộc dây đỡ quả để giảm sức nặng cho thân cây hoặc phòng tránh giàn đổ khi có gió mạnh.
Theo kinh nghiệm dân gian của nhiều vùng miền, khi cây trồng bị bệnh nấm thối nhũn bạn dùng thuốc sinh học như sau: giã nát củ riềng rồi trộn với nước theo tỷ lệ 1:1, lọc sạch rồi phun lên cây trồng. Cách này khá hiệu quả lại không độc hại, rất phù hợp khi trồng hồ lô tại nhà. Nếu các lá có rệp, nấm mốc, bạn có thể pha thuốc xanh metylen với betadine nồng độ cực nhẹ phun lên lá.
Hướng dẫn thu hoạch hồ lô
Nếu như bạn muốn dùng bầu hồ lô cho các món ăn của gia đình thì ngay từ khi quả bầu non, còn lông tơ, gõ nhẹ nghe tiếng đục thì có thể sử dụng được. Bầu non được chế biến như một món rau, các món từ bầu như luộc chấm mắm rất ngọt và thơm, bầu xào theo khẩu vị của từng nhà.
Mẹo hay: bạn có thể dùng hồ lô làm bình đựng nước hoặc vật trang trí trong nhà thì để quả già vì trái bầu rất dễ thối phần vỏ nếu còn non, đối với quả đã già cứ để trên giàn đến khi giàn bầu tàn quà sẽ tự khô. Khi hái cắt phần cuống và moi hết ruột và hạt ra sau đó các bạn có thể trang trí, vẽ lên trái bầu bằng màu acrylic hoặc bất kì loại màu nào có thể bám trên đó, cuối cùng phun 1 lớp sơn bóng lên là có thể bảo quản được lâu.
Trên đây là cách trồng hồ lô hiệu quả, chúc bạn sớm trồng được cho mình một gian hồ lô quả đẹp, mộng tròn nhé
Tổng hợp