Rau củ

Kết quả nghiên cứu quy trình kỹ thuật sản xuất hạt giống cải mào gà Hoài Đức

  1. Nguồn gốc giống

Sử dụng giống đã được phục tráng thuần hoặc được chọn lọc hỗn dòng theo 3 vụ, có năng suất cao, chất lượng tốt, thích hợp với sản xuất và tiêu thụ. Do cải mào gà là cây thụ phấn chéo nên có nhiều dạng hình của thân lá, qua tuyển lựa của nông dân mà giống trồng cũng phong phú, đa dạng về hình thái thân lá ở mỗi địa phương, vì thế căn cứ vào bảng mô tả tính trạng chuẩn của cải mào gà Hoài Đức mà chọn lọc đúng giống để nhân lấy hạt.

cai-mao-ga-1

Giống cải mào gà Hoài Đức

  1. Chuẩn bị đất và cách ly

Rau cải mào gà Hoài Đức (Brassica juncea (L.), họ thập tự: Brassicaceae trồng nhân giống được trên các loại đất thịt pha cát ở Hoài Đức, tưới tiêu nước thuận lợi.

Khu ruộng có đủ diện tích lớn:1000 cây/giống nhân.

Đất kỹ tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại tàn dư cây trồng.

Lên luống rộng 1,0-1,2 m. Lên luống cao 20-30 cm (mùa mưa), mùa khô lên luống thấp để giữ ẩm cho cây.

Nếu nhân 2 giống hoặc nhiều giống cải khác cùng một khu vực thì phải chọn ruộng nhân giống có điều kiện cách ly về không gian và thời gian như trồng trong các khu có cây chắn gió, khoảng cách cách ly các ruộng nhân khác giống là 500-1000 m (cách ly theo TCN-318-98) hoặc phải làm nhà lưới để cách ly. Cách ly về thời gian thì bố trí thời vụ trồng để các giống ra hoa lệch nhau

  1. Thời vụ

– Vụ Đông xuân từ 20 tháng 9

  1. Gieo trồng

Gieo cây con trong luống/vườn ươm: Lượng hạt giống cần thiết để đủ cây con cấy trên 1.000 m2 khoảng 180-200 g, gieo trên 70 m2 đất chia thành các luống ươm nơi cao ráo có đầy đủ ánh nắng.

Hạt giống ngâm trong nước sau 3-4 giờ vớt ra để ráo nước ủ ấm một đêm rồi đem gieo hạt sẽ nẩy mầm nhanh và đều hơn gieo hạt khô. Hạt cải mèo nhỏ, muốn gieo cho đều nên chia hạt nhiều phần và trộn với đất bột để dễ điều chỉnh hạt gieo. Tưới đẫm luống trước khi gieo, sau khi gieo phủ hạt bằng lớp tro/ trấu mỏng và rắc thuốc trừ kiến, các sâu hại khác (sâu non, bọ nhẩy, dế kiến, sên nhớt, ốc nhí…). Trên mặt luống phủ lớp rơm mỏng và tưới đủ ẩm. Khi cây mọc được 7 ngày thì tỉa bỏ những cây sâu bệnh, sau đó tỉa cây để khoảng cách 3-4cm

Trồng cây con ngoài ruộng sản xuất: Cây con có 3-4 lá thật khoảng 18-20 ngày tuổi, tỉa bỏ các cây xấu và không đặc trưng giống, sau đó trước khi đem ra trồng, kiểm tra và loại bỏ các cây nghi ngờ một lần nữa. Trồng lấy hạt với khoảng cách 30 x 30 cm, 1 hốc 1 cây để ruộng thông thoáng hạn chế sâu bệnh. Luống rộng 1-1,2 m cấy được 3-4 hàng cải, cấy mật độ đừng dày quá. Trồng dày cây cao, thân lá nhỏ, năng suất lá cao, nhưng năng suất hạt giảm.

cai-mao-ga-3

Gieo trồng cải mào gà ở nơi cao ráo thoáng mát để dễ hấp thu ánh sáng, dưỡng chất

  1. Bón phân và chăm sóc

Tổng lượng phân bón cho 1ha ruộng nhân giống khoảng 25.000 kg phân chuồng (phân trâu bò, heo, gà đã ủ hoai), 70 kg N, 60 kg P2O5, 35 kg K2O,

+Bón lót:

Vườn ươm: Bón lót toàn bộ 25-30 tấn phân chuồng hoai mục + 150 kg phân lân/01 ha

Ruộng trồng: Toàn bộ phân chuồng + Lân + 50% kg K2O. Rải trên mặt luống và xới trộn đều.

+ Bón thúc:

– Vườn ươm: Không cần thiết cung cấp phân, nếu cây con phát triển hơi kém có thể tưới thúc nhẹ thêm 1 lần khỏang 10-15 ngày sau khi gieo bằng nước phân hỗn hợp NPK 16-16-8 pha loãng (20-30g/10 lít nước). Khi cây có 2-3 lá thật tỉa bỏ cây xấu, cây bị bệnh. Cây con 18-20 ngày tuổi có thể nhổ trồng, trồng từng đợt riêng cây tốt và xấu để tiện chăm sóc.

– Ruộng trồng: Bón phân dựa theo sự sinh trưởng của cây kết hợp dọn sạch cỏ. Do cải mào gà Hoài Đức ngắn ngày nên chia phân ra 3 lần tưới sẽ có hiệu quả hơn.

Khi cây bắt đầu có ngồng thì tiến hành làm dàn cho cây tựa, giảm tỷ lệ rụng hoa, rụng quả và tỷ lệ hạt lép. Khi số lượng quả đã đậu được 70-80% thì bấm ngọn và cắt cành hoa cuối, nhánh phụ để tập trung dinh dưỡng nuôi quả, nuôi hạt ở các cành quả chính.

  1. Thu hoạch quả và hạt

Khi chùm quả cải chuyển từ màu xanh đậm sang màu màu xanh vàng thì có thể thu hoạch, không để quả chín hẳn trên cây. Khi thu hoạch dùng dao cắt cả ngồng hoa, buộc thành từng túm nhỏ cho vào túi lưới mắt nhỏ, hong vài ba hôm rồi mới đem phơi khô cho đến khi quả giác khô thì vò lấy hạt, sau đó nhặt sạch và đưa vào bảo quản.

  1. Quản lý dịch hại

Rau cải mào gà Hoài Đức có nhiều sâu hại cần lưu ý phòng trừ. Trên ruộng Rau thường gặp những dịch hại chủ yếu sau: Bọ nhẩy (Phyllotreta striolata), sâu ăn tạp (Spodoptera litura), sâu tơ (Plutella xylostella), sâu đục ngọn (Hellula sp.),bệnh chết cây con (do Pythium sp., Rhizoctonia sp., Sclerostium sp.), bệnh thối bẹ (Sclerostium rolfsii, Rhizoctonia sp.) Bệnh thối nhũn vi khuẩn (Erwinia carotovora). Việc thực hiện nghiêm chỉnh kỹ thuật canh tác nói trên đã là một phần trong quản lý dịch hại tổng hợp, phần này chỉ nhấn mạnh các biện pháp cần thiết cho quản lý các dịch hại cụ thể.

* Biện pháp canh tác:

+ Luân canh: Để hạn chế các sâu bệnh hại có thể chu chuyển và gây hại nặng, không nên trồng liên tục nhiều vụ cùng họ cải trên cùng một chân đất. Nên luân canh bắt buộc với các cây khác họ như: xà lách, rau dền, mồng tơi hoặc rau gia vị … tốt nhất nên luân canh với các cây họ hoà thảo như: bắp, lúa nước chẳng hạn.

+ Thường xuyên tưới đủ ẩm để hạn chế sự phát triển sâu non bọ nhẩy sống ở phần gốc cây dưới đất. Nhưng nếu thấy bệnh phát triển nên hạn chế tưới nước.

+ Mật độ gieo trồng vừa phải: Không nên trồng quá dầy nhất là trong mùa mưa dễ tạo thuận lợi cho các bệnh phát triển. Trong mùa mưa có thể che lưới thấp để tránh dập nát, tổn thương đến bộ lá

+ Vệ sinh đồng ruộng: Làm sạch cỏ trong ruộng và cỏ bờ để hạn chế sự cư trú của các sâu bệnh, sau thu hoạch nên gom đốt các tàn dư.

* Biện pháp cơ lý

Thăm đồng thường xuyên nếu thấy xuất hiện các sâu bệnh hại như trứng sâu ăn tạp, sâu tơ, bệnh thối nhũn … có thể dùng tay bắt giết nhổ bỏ cây bệnh để hạn chế sự lây lan. Các cây, lá bệnh khi nhổ bỏ không vứt ở ruộng và bờ mà cần gom đốt hoặc đào hố chôn có rãi vôi bột khử trùng, hay đem ủ phân đúng kỹ thuật.

* Biện pháp sinh học

Để bảo tồn các loại thiên địch của sâu hại (nhện, ong ký sinh, bọ rùa ăn sâu…) cần hạn chế các loại thuốc phổ rộng. Phòng các loại sâu non bọ cánh phấn nếu xuất hiện nhiều thì ưu tiên sử dụng thuốc vi sinh gốc Bacillus thuringiensis các loại, riêng với bọ nhẩy có thể dùng các loại thuốc thảo mộc Nicotine (nước ngâm thân lá thuốc lá), Rotenone (thuốc cá) phun trừ.

* Biện pháp hóa học:

– Trừ sâu hại:

Trong vườn ươm cần trừ kiến tha hạt giống có thể sử dụng thuốc Basudin 10H (15-20g/10m2).

Để trừ bọ nhẩy có thể xử lý hột giống trước gieo bằng thuốc. Trường hợp bọ nhẩy xuất hiện nhiều trên ruộng có thể dùng thuốc gốc lân hữu cơ kết hợp với gốc cúc tổng hợp theo khuyết cáo.

– Trừ bệnh hại:

Để phòng trị các bệnh trước khi gieo nên xử lý bằng một trong các loại thuốc sau đây: Rovral 50 WP, Viben-C 50 WP, lượng dùng 5kg/1kg hột.

Với bệnh chết cây con: Khi phát hiện phun một trong các loại thuốc: Moceren 25 WP (15g/8 lít), Rovral 50WP (20g/8 lít), Ridomil MZ 72 WP (15g/8 lít).

Bệnh thối bẹ: dùng Moceren 25 WP (25g/8 lít), Rovral 50 WP (20g/8 lít), Ridomil MZ 72 WP (15g/8 lít).

Quy trình kỹ thuật nhân giống cải mào gà Hoài Đức đã được Trung tâm Tài nguyên thực vật ban hành.

Vũ Văn Tùng, Nguyễn Khắc Quỳnh, Lưu Quang Huy.