Món ăn bài thuốc

Bòng bong có tác dụng gì?

Bòng bong có tác dụng gì? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về câu hỏi này dưới góc nhìn của tác giả PTS. Võ Văn Chi trong quyển: Cây thuốc trị bệnh thông dụng được xuất bản vào năm 2000.

Bòng bong hay Thòng bong, thuộc họ Bòng bong

Mô tả: Cây luôn luôn xanh, mọc leo. Thân rễ bò. Lá dài, xẻ 2 – 3 lần lông chim, các lá chét có hình tam giác; trục lá uốn ngoằn ngoèo, có lông. Lá chét sinh sản giống với lá chét thường, nhưng ngắn hơn; các lá chét này thường là lá chét bậc hai, mang nhiều bông (ổ túi) ngắn 2 – 10 mm, trong đó có nhiều túi bào tử. Bào tử hình 4 mặt hay gần hình cầu với 1 mặt dẹt, màu vàng nhạt hay xám, có vách khá dày.

Bộ phận dùng:

Dây mang lá.

Nơi sống và thu hái:

Cây mọc ở đồi, bụi rậm, bờ rào ở nhiều nơi, thường gặp ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang. Có thể thu hái dây lá quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô dùng dần. Nếu đắp ngoài thì dùng tươi.

Hoạt chất và tác dụng: Chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Theo Y học cổ truyền, cây có vị hơi ngọt, tính mát, có công năng lợi tiểu, nhuận tràng, thanh nhiệt, tiêu viêm. Dùng chữa các chứng đái buốt ra máu, đái ra cát sạn, đại tiện táo bón. Còn dùng chữa chứng thương ứa máu (uống trong, bỏ ngoài). Dân gian vẫn dùng làm thuốc lợi tiểu, lợi sữa, dùng đắp các vết thương phần mềm, vết loét, chín mé, ecpet (mụn rộp) mọc vòng. Có người còn dùng chữa đau tai, đau màng óc, đun nước gội đầu và tắm chữa ngứa lở (hủi mèo), chữa lậu, chữa chó dại cắn.

Cách dùng:

Ngày dùng 12 – 24g khô dưới dạng thuốc sắc. Để làm thuốc lợi tiểu, thường phối hợp với Cỏ tranh, Râu ngô.

Dùng ngoài không kể liều lượng, giã nát đắp rịt. Để chữa vết thương phần mềm, có thể phối hợp với lá Mỏ quạ. Để chữa chín mé (long móng tay, móng chân), phối hợp với mẻ và giấm đắp ngày 1 lần.

Nguồn: PTS. Võ Văn Chi – Cây thuốc trị bệnh thông dụng – NXB Văn hóa