Cỏ lào hay còn gọi là cây Cộng sản, cây Việt minh, cây Ba bớp (Eupodoratum l.) thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Mô tả: Cây thảo mọc thành bụi, có thân cao đến 2m hy hơn, cành nằm ngang, có lông mịn. Lá mọc đối, hình trái xoan nhọn, mép có răng, cuống dài 1 – 2 cm, có 3 gân chính.
Cụm hoa xếp thành ngù kép, mỗi cụm hoa có bao chung, gồm nhiều lá bắc x6e1p 3 – 4 hàng. Hoa nhiều, có màu hoa đào. Quã bế hình thoi, 5 cạnh, có lông.
Cây ra hoa vào mùa cuối đông.
Bộ phận dùng: Toàn cây.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc nhiều ở nơi đất hoang, hai bên đường hoặc ở những chân ruộng bỏ hoang cho tới các vùng đồi núi khắp nơi. Cỏ lào mọc rất khỏe, phát triển nhanh trong mùa mưa. Cỏ Lào có khả năng tái sinh rất mạnh, cho năng xuất cao 20 – 30 tấn/ha. Có thể thu hái lá và toàn cây quanh năm. Thường dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng:
Lá cỏ Lào có mùi hôi. Trong cỏ Lào, có 2,65% đạm, 2,5% lân và 2,48% kali. Vì vậy cỏ Lào thường được dùng làm phân xanh bón ruộng, trồng hoa màu. Còn có tinh dầu ancaloit, tanin ở tất cả các bộ phận. Nước sắc Cỏ Lào có tác dụng kháng khuẩn, ức chế được vi khuẩn gây mủ trên vết thương và trực trùng lỵ Shigella. Còn có tác dụng chống viêm. Được dùng được chữa bệnh lỵ cấp tính và bệnh ỉa chảy cho trẻ em, chữa viêm đại tràng, chữa đau nhức xương, chữa ghẻ.
Theo Y học cổ truyền, cây có vị cay nóng, có tác dụng sát trùng, chỉ huyết. Thường dùng giã nhỏ bôi ở chân để đề phòng vết cắn của sâu bọ, ngâm xuống nước để trừ ấu trùng, ký sinh trùng xoắn ốc. Còn được dùng để đắp cầm máu vết thương.
Cách dùng:
Lá cỏ Lào pha dưới dạng xi – rô từ nước hãm (dùng lá non rửa sạch, vò nát, hãm trong nước uống, cứ 5g lá lấy 15ml nước hãm, sau đó đem phối hợp với đường, cứ 500ml nước hãm hòa với nước hãm 900g đường đã đun sôi) dùng chữa lỵ và ỉa chảy. Nước sắc cỏ Lào dùng uống chữa đau nhức xương. Lá non nấu tắm chữa ghẻ, khi tắm dùng bã xát vào mụn ghẻ trong vòng 5 – 6 ngày là khỏi. Lá tươi vò hay giã đắp cầm máu vết thương, vết cắn bị chảy máu nhiều.
Nguồn: PTS. Võ Văn Chi – Cây thuốc trị bệnh thông dụng – NXB Văn hóa