Còn gọi là Nhẫn đông
Tên khoa học Lonicera japonica Thunb.
Thuộc họ Cơm cháy Caprifoliaceae. Cây kim ngân cho ta các vị thuốc :
1. Hoa kim ngân hay kim ngân hoa – Flos Lonicerae là hoa phơi hay sấy khô của cây kim ngân.
2. Cành và lá kim ngân – Caulis cum folium Lonicerae – là cánh và lá phơi hay sấy khô của cây kim ngân.
Nội dung
A. Mô tả cây
Kim ngân là một loại dây mọc leo, thân có thể vươn dài tới 10m hay hơn. Cành lúc còn non màu lục nhạt, có phủ lông mịn, khi cành giả chuyển màu nâu đỏ nhạt, nhẵn. Lá mọc đối, đôi khi mọc vòng 3 lá một, hình trứng dài, đầu hơi tù, phía cuống tròn, cuống ngắn 2-3mm, cả hai mặt đều phủ lông mịn. Vào các tháng 5-8, hoa mọc từng đôi ở kẽ lá, mỗi kẽ lá có 1 cuống mang 2 hoa, hai bên lá mọc đối mang 4 hoa, lá bắc giống lá nhưng nhỏ hơn. Hoa hình ống xẻ hai môi, môi lớn lại xẻ thành 3 hay 4 thùy nhỏ, phiến của tràng dài gần bằng ống tràng, lúc đầu màu trắng, sau khi nở một thời gian chuyển màu vàng, cùng một lúc trên cây có hoa mới nở màu trắng như bạc, lại có hoa nở đã lâu màu vàng như vàng cho nên có tên là kim ngân (kim là vàng, ngân là bạc); cây kim ngân xanh tốt vào mùa đông cho nên còn có tên là nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông, 4 nhị thòi dài cao hơn tràng; vòi nhụy lại thòi dài cao hơn nhị, mùi thơm dễ chịu. Quả hình trứng dài chừng 5 mm.
B. Phân bố, thu hái và chế biến
Kim ngân là một cây mọc hoang nhiều tại vùng tỉnh vùng núi nước ta, nhiều nhất ở Cao Bằng, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ. Một số nơi người ta bắt đầu trồng lấy hoa và cành lá làm thuốc.
Do cây kim ngân có lá xanh tốt quanh năm, đến tháng 4-5 lại cho hoa đẹp và thơm cho nên có thể trồng làm cảnh và lấy bóng mát.
Kim ngân có thể trồng ở miền núi cũng như ở đồng bằng. Đất đai và khí hậu Hà Nội cũng rất thích hợp. Ta có thể trồng bằng dâm cành : Cắt những cành bánh tẻ dài chừng 20-60cm, khoanh thành khoanh, chôn xuống dưới đất, để chừng đoạn sau cùng, vào thời kỳ đầu cần tưới đều. Có thể trồng quanh năm nhưng tốt nhất vào tháng 9-10 hoặc tháng 2-3.
Sau một năm có thể bắt đầu thu hoạch, thu hoạch lâu năm, càng về những năm sau càng nhiều hoa.
Nếu hái hoa cần hái vào lúc hoa sắp nở hay khi hoa mới nở, màu còn trắng chưa chuyển vàng. Có thể hái hoa riêng, cành lá riêng nhưng có thể hái hoa kèm theo một ít cành lá, về nhà mới phân, chia thành lá riêng, hoa riêng.
Hoa hay cành lá hái về phơi hay sấy khô là dùng được. Không phải chế biến gì khác. Việc bảo quản hoa và cành lá kim ngân tương đối dễ vì ít bị mốc mọt
C. Thành phần hóa học
Hiện nay hoạt chất của kim ngân chưa được xác định chính xác.
Theo Tăng Quảng Phương, trong hoa kim ngân có inozit (hay inozitol) chừng 1%.
Theo Thang Đằng Hán, hoạt chất của kim ngân là một chất có trạng thái dầu, không bay hơi, có thể tan trong nước và trong các dung môi hữu cơ. Tuy nhiên cần chú ý là trong nhân dân Trung Quốc dùng kim ngân dưới dạng nước cất hoa kim ngân mà vẫn thấy tác dụng, chứng tỏ phần cất theo hơi nứơc, cũng có tác dụng.
Năm 1961, một số nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết trong kim ngân có một glucozit gọi là lonixerin có cấu tạo luteolin – 7 – rhamnoza.
Qua thực nghiệm chúng tôi thấy trong kim ngân có nhiều saponozit (Đỗ Tất Lợi).
D. Tác dụng dược lý
Tác dụng kháng sinh – Tác dụng kháng sinh được nhiều nhà nghiên cứu chú ý và chứng minh trong thực nghiệm.
Người ta thấy nước hoa kim ngân có tác dụng ức chế rất mạnh đối với tụ cầu khuẩn vi khuẩn thương hàn, trùng lỵ shiga. Nứơc sắc có tác dụng mạnh hơn các dạng bào chế khác.
Năm 1950, Lưu Quốc Thanh (Trung Hoa tân y học báo) đã báo cáo dùng nước sắc cô đặc 100% của hoa kim ngân thấy có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với vi trùng thương hàng, tả, liên cầu khuẩn tiên máu (vòng vô khuẩn tới 11-20mm), vi trùng lỵ, trực khuẩn coli, tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, đối với bạch hầu cũng có tác dụng nhưng kém hơn (2-10mm).
Bảng sau đây cho biết nồng độ loãng nhất có tác dụng ức chế đối với sự phát triển của vi trùng :
Vi trùng lỵ shiga 1/640
Schmith 1/2560
Vi trùng lỵ Flexner 1/1280
– Sonnei 1/320
– Thương hàn 1/300
Vi trùng phó thương hàn A 1/300
– Phó thương hàn B 1/300
– Tả 1/160
– Trực khuẩn coli 1/160
– Dịch hạch 1/1280
Tụ cầu khuẩn vàng (aureus) 1/40
Liên cầu khuẩn tiêu máu A 1/320
Liên cầu khuẩn tiêu máu B 1/160
Bạch hầu 1/80
Phế cầu khuẩn 1/60
Năm 1960, Sở nghiên cứu Trung Y dược tỉnh Giang Tây Trung Quốc có nghiên cứu so sánh tác dụng kháng sinh của nước sắc hoa kim ngân và nước sắc là kim ngân thì đã đi tới kết luận là nước sắc lá kim ngân với nồng độ 20-1,2% có tác dụng ức chế vi trùng lỵ shiga, nước sắc lá kim ngân với nồng độ 20-5% có tác dụng ức chế đối với vi trùng phó thương hàn A, nồng độ 100% có tác dụng đối với tụ cầu khuẩn, nhưng đặc biệt các tác giả nhân thấy nước sắc hoa kim ngân lại hoàn toàn không có tác dụng kháng sinh. Còn tác giả cho rằng tác dụng kháng sinh còn lệ thuộc vào thời kỳ thu hái hoa, và còn tiếp tục nghiên cứu.
Tác dụng trên đường huyết : Năm 1930, Mẫn Bính Kỳ (Dược lý đích sinh dược học, 1933) đã thông báo sau khi cho thỏ uống nước sắc hoa kim ngân thì lượng huyết đường tăng, hiện tượng này kéo dài 5-6 giờ mới trở lại bình thường.
Tác dụng ngăn chặn choáng phản vệ – năm 1966, Đỗ Tất Lợi, Nguyễn Năng An và Bùi Chí Hiếu (Hội nghị thuốc năm lần thứ 4, Hà Nội) đã báo cáo nước sắc kim ngân có khả năng ngăn chặn choán phản vệ trên chuột lang : Trên chuột lang được uống kim ngân, số lượng và chất lượng tế bào hạt (mastocytes) ở mạng treo chuột ít thay đổi, lượng histamin ở phổi chuột lang bị choáng phản vệ cao gấp rưỡi so với chuột lang bình thường hay đã được uống kim ngân trước khi gây choáng phản vệ.
Độ độc : các tác giả trên (Đỗ Tất Lợi, Nguyễn Năng An và Bùi Chí Hiếu) còn cho biết chuột nhắc trắng uống liên tục trong 7 ngày với liều gấp 150 lần điều trị cho người chuột vẫn sống bình thường, giải phẫu các bộ phận không thay đổi gì đặc biệt
E. Công dụng và liều dùng
Kim ngân là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân, dùng chữa mụn nhọt, rôm sảy, lên đậu, lên sởi, tả lỵ, giang mai. Một số nơi nhân dân dùng pha nước uống thay nước chè.
Theo các tài liệu cổ : Kim ngân vị ngọt, tính hàn (lạnh), không độc, vào 4 kinh phế, vị, tâm và tỳ. Có năng lực thanh nhiệt giải độc, dùng chữa sốt, mụn nhọt, tả lỵ, giang mai. Uống lâu nhẹ người tăng tuổi thọ. Nhưng những người tỳ vị như hàn không có nhiệt độc không nên dùng.
Trên thực tế lâm sàng, kim ngân thường được dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, sốt nóng, sốt rét, tả lỵ. Gần đây trên cơ sở thực nghiệm, kim ngân được mở rộng chữa có kết quả một số trường hợp viêm mũi dị ứng, thấp khớp và một số trừơng hợp dị ứng khác (Đỗ Tất Lợi và Nguyễn Năng An, 1966).
Ngày dùng 4 đến 6g hoa hay 10 đến 12g cành lá dưới dạng thuốc sắc, hay thuốc cao hoặc rượu thuốc. Có thể dùng riêng vị kim ngân hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác.
Một số người uống kim ngân đi ỉa lỏng, chỉ cần giảm liều xuống hoặc nghỉ uống là hết.
Đơn thuốc có kim ngân
Thuốc K1 (Đỗ Tất Lợi, 1960) chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, một số trường hợp dị ứng : Kim ngân 6g (nếu là hoa) hoặc 12g (nếu là cành và lá), nước 100ml, sắc còn 10ml, thêm đừơng vào cho đủ ngọt (chừng 4g). Đóng vào ống hàn kín, hấp tiệt trùng để bảo quản. Nếu dùng ngay thì không cần đóng ống và chỉ cần đun sôi rồi giữ sôi trong 15 phút đến nửa giờ là uống được. Người lớn : ngày uống 2 đến 4 liều trên (2 đến 4 ống); trẻ em từ 1 đến 2 liều (1 đến 2 ống).
Thuốc K2 (Đỗ Tất Lợi, 1960) là đơn thuốc trên thêm 3g ké đầu ngựa vào. Cùng một công dụng và liều dùng.
Thuốc chữa mụn nhọt, mẩn ngứa, thông tiểu : Hoa kim ngân 6g, cam thảo 3g, nước 200ml, sắc còn 100ml, chia 2 hay 3 lần uống trong ngày.
Ngân kiều tán (bài thuốc kinh nghiệm từ cổ) thường dùng chữa mụn nhọt, sốt cảm : Hoa kim ngân 40g, liên kiều 40g, kinh giới tuệ 16g, cát cánh 24g, đạm đậu sị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, đạm trúc diệp 16g. Tất cả sấy khô tán bột. Có thể làm thành viên.
Ngày uống 1-2 lần, mỗi lần uống 12g bột.
Chú thích :
Ngoài vị kim ngân nói trên, trong nhân dân còn dùng một cây kim ngân khác có tên khoa học là Lonicera dasystyla Rehder. gọi là kim ngân dại (cây trên gọi là kim ngân khôn) có thân xanh và nhẵn lá xanh, nhẵn chia thùy khi còn non, lá bắc hình dùi, hẹp, dài (dài nhất 10mm), bầu nhẵn.
Một loài nữa hay được dùng cũng có lá bắc hình dùi, dài, hẹp nhưng bầu có lông có tên khoa học là Lonicera confusa DC.
Tóm tắt đặc điểm của ba loài kim ngân thường dùng ở nước ta:
Tất cả đều có phiến của tràng dài gần bằng ống nhưng :
1. Lá bắc hình dùi, hẹp và dài (dài nhất 10mm).
Bầu nhẵn … Lonicera dasystyla Rehder
Bầu có lông … Lonicera confusa DC.
2. Lá bắc giống lá nhưng nhỏ hơn (ít nhất 15mm) Lonicera japonica thunb
Đỗ Tất Lợi (2004), Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam
Xem thêm:
Đầy đủ về cây Kim Ngân: Lợi ích, ý nghĩa phong thủy, mua và chăm sóc đúng cách