Do có chất tạo ngọt không phải góc đường nên công dụng của cây cỏ ngọt được dùng làm phương thức chữa bệnh cho người bị tiểu đường. Tuy nhiên, đó chỉ là quan niệm chưa chính thống. Và thực tế chứng minh, cây cỏ ngọt không có công dụng chữa bệnh tiểu đường. Bên cạnh đó, vẫn còn một số quan điểm sai lệch về loại cây này.
Nội dung
Công dụng của cây cỏ ngọt được lan truyền khắp…mạng ảo
Không khó để có thể tìm về công dụng của cây cỏ ngọt trên mạng Internet. Đa số những công dụng được TIN là có thật như: giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol, điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.
Những nhận định này được căn cứ từ kết quả nghiên cứu:
Chất cơ bản tạo nên độ ngọt tự nhiên của loại cây này đó là steviozit, hợp chất này ngọt gấp 300 lần đường, không lên men, ít năng lượng và có vị rất thơm ngon, những người phải kiêng đường như bệnh nhân tiểu đường có thể sử dụng hợp chất này để thay thế đường trong các bữa ăn hằng ngày. Steviozit sau khi thủy phân sẽ cho 3 phân tử steviol và isosteviol. Cỏ ngọt thường được thu hái, phơi khô và có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi vì rất tốt, không gây ô nhiễm môi trường và không hề để lại bất cứ tác dụng phụ nào.
Trong những năm gần đây, công dụng của cây cỏ ngọt đã dần được khoa học ghi nhận và chứng minh. Loại cây này cũng được sử dụng rộng rãi ở Brazil, Paraguay, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia châu Á khác trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, điều này chỉ chứng minh được trong cỏ ngọt có chất tạo ngọt không phải góc đường chứ chưa hề công bố những công dụng như: giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol, điều trị bệnh tiểu đường hiệu quả.
Sự thật về công dụng của cây cỏ ngọt
Dược sĩ – lương y Bàng Cẩm, Hội Đông y quận Tân Phú, cho biết trong thiên nhiên có nhiều loại cây cỏ khá đặc biệt vì chứa đường năng lượng thấp với độ ngọt cao gấp hàng trăm lần đường mía nên được dùng để thay thế đường cho những người phải kiêng ngọt. Cỏ ngọt (còn gọi là cỏ mật, cỏ đường, cúc ngọt, trạch lan) là một trong số các loại cây như vậy. Loại cây này được nhập và trồng nhiều ở Hà Giang, Cao Bằng, Hà Tây, Lâm Đồng…
Lương y Cẩm cho biết thêm là cỏ ngọt được dùng chế biến trà dành cho người bị bệnh đái tháo đường, béo phì hoặc cao huyết áp. Trong công nghiệp thực phẩm, cỏ ngọt được dùng để pha chế làm tăng độ ngọt mà không làm tăng năng lượng của thực phẩm. Loại cây này cũng được dùng trong chế biến sữa làm mượt tóc, kem làm mềm da.
Theo ThS-BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, các thông tin về cây cỏ ngọt hiện vẫn chưa thống nhất và chưa có khuyến cáo nào của các tổ chức quản lý dược phẩm hay thực phẩm trên thế giới.
Cho đến nay, thông tin khoa học về cây cỏ ngọt chỉ là chuyện chất tạo ngọt không phải gốc đường (không chứa glucose) nên có thể sử dụng cho những người không được ăn đường (như người đái tháo đường, béo phì…) để thay thế đường thông thường nhưng chưa rõ liều lượng sử dụng bao nhiêu là vừa phải và ngoài chất tạo ngọt thì trong cây còn chất có dược tính khác nữa hay không. Trên thế giới, loại đường trong cây cỏ ngọt được trích tinh ra để dùng ăn kiêng cho người bệnh đái tháo đường và người thừa cân chứ không phải để chữa bệnh.
Không quá tin tưởng
ThS-BS Đào Thị Yến Phi khuyên trước khi có những khuyến cáo chính thức của FDA hay Bộ Y tế, tốt nhất là không quá tin tưởng vào tác dụng trị bệnh của cây cỏ ngọt.
Nếu đang bị bệnh, chỉ vì tin vào tác dụng thần kỳ của cây cỏ ngọt mà bỏ điều trị chính thức thì không nên. Bởi lẽ, ngay cả khi loại cỏ này không có độc tính thì cũng chưa hẳn an toàncho người bệnh vì bệnh có thể trở nặng hoặc xảy ra biến chứng do không được chữa trị và theo dõi phù hợp.