Đinh lăng (Polyscias fruticosa) hay còn được gọi là cây gỏi cá, thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae) là loại cây được trồng nhiều ở nước ta, chủ yếu dùng làm cây cảnh hoặc trồng cây đinh lăng để làm thuốc trị bệnh, bồi bổ sức khỏe.
- Nguồn gốc và phân bố
Đinh lăng có nguồn gốc từ đảo Thái Bình Dương, được trồng rộng rãi từ đồng bằng cho đến miền núi. Cây ưa sáng, ưa ẩm và đất sâu, có thể chịu hạn và bóng râm. Trồng cây đinh lăng chủ yếu bằng cách giâm cành. Cây trồng càng lâu càng tốt.
2. Một số đặc điểm sinh học tiêu biểu
Đinh lăng là loại cây bụi, xanh tốt quanh năm, có chiều cao khoảng từ 0.5-2m, thân sần sùi. Thông thường trên thân cây sẽ mang nhiều vết sẹo lồi màu nâu xám (do lá rụng để lại)
Lá cây đinh lăng dài 20-40 cm, có màu xanh, bóng. Gốc lá có phiến lá thuôn nhọn dài 3-5cm, rộng 0.5-1.5cm; gân lá hình lông chim, gân chính nổi rõ, bên cạnh là có 3-5 cặp gân phụ.
Hoa nhỏ, nở đều, lưỡng tính. Cụm hoa tụ thành từng chùm ở ngọn cành. Cuống hoa có hình trụ, màu xanh, dài khoảng 0.3 cm.
Quả hình bầu dục, vỏ màu xanh đậm, tuy nhiên cũng có những nốt tròn màu xanh nhạt hơn, dài khoảng từ 4-6mm, rộng 3-4mm.
3. Cách chọn giống để trồng cây Đinh lăng
Đinh lăng có 2 loại chính là đinh lăng tẻ và đinh lăng nếp:
– Đinh lăng tẻ: cần lưu ý rằng đây là loại đinh lăng cho năng xuất không cao nên cần lưu ý đặc điểm của loại để tránh chọn phải. Đinh lăng tẻ là loại có lá to, vò sần, củ nhỏ, rễ ra ít, cứng và có vỏ bì mỏng nên khả năng phát triển không cao.
– Ngược lại, đinh lăng nếp có lả nhỏ và xoăn, vỏ cây nhẵn, củ to, rễ mềm, vỏ bì dày và phát triển mạnh nên cho chất lượng và năng xuất cao. Đây là loại đinh lăng tốt, mạnh nên lựa chọn trong việc gieo trồng.
Khi chọn, không nên chọn cây quá già hoặc quá non. Để có được nhiều giống và dễ chăm sóc sau này, nên chặt cành ra thành nhiều đoạn, có độ dài khoảng 25-30cm, tránh làm dập 2 đầu của các đoạn.
4. Kỹ thuật trồng cây Đinh lăng
Chọn đất: do đây là loại cây không chịu được khô và cũng không quá ẩm nên chọn loại đất cát pha, tơi xốp, thoáng và khả năng giữ ẩm ở mức trung bình.
Trong trường hợp trồng cây đinh lăng với số lượng lớn, thì nên cày cho đất tơi xốp, luống cao 20-50 cm và rạch sâu 15 cm, khoảng cách giữa các hố trồng là 50 cm, đặt hom giống theo chiều luống, nên bón lót bằng phân chuồng (4kg/sào), phân NPK (20kg), sau đó lấp hom và cho đầu hom hở khoàng 5 cm.
Nên phủ rơm rạ lên hom để giữ ẩm và tạo mùn tơi xốp cho đất. Cần làm hệ thống cấp thoát nước để cung cấp lượng nước vừa đủ khi đất khô hoặc làm thoát nước khi đất quá ẩm.
Trường hợp trồng cây đinh lăng ở phần đất rìa vườn, nên chọn cành già, tạo hóc sâu 20cm để hom giống. Sau đó lấp kín hom và tưới nhiều nước trong lần đầu tiên.
Thời vụ: khoảng từ tháng 1 đến tháng 4
Cách chăm sóc sau khi trồng cây đinh lăng
Khi trồng được 6 tháng tuổi, tiến hành bón thúc bằng phân Ure (8kg/sào).
Trồng được 2 năm tuổi trở đi, nên cắt bỏ bớt cành và lá thừa vào khoảng tháng 4 và tháng 9 hằng năm. Sau tỉa lần đầu, bón thêm 15kg phân NPK, 4kg phần Kali và bón thêm phân chuồng (300 kg/sào).
Thu hoạch
Trồng cây đinh lăng sau khoảng 3 năm thì có thể thu hoạch. Tốt nhất nên thu hoạch vào khoảng tháng 11 và tháng 12. Củ và rể đinh lăng sau khi thu hoạch cần được thái mỏng và phơi khô trong khoảng 5 ngày để tránh bị mốc.
5. Công dụng:
Nhìn chung, hầu hết các bộ phận của cây dược liệu đinh lăng đều có tác dụng y học:
Thân, lá và rễ có tác dụng tăng lực (nhưng rễ có tác dụng tốt hơn).
Thân và lá dùng làm thuốc bổ tăng cân
Tăng co bóp tử cung và tăng tiết niệu
Có tác dụng an thần, ít độc.
Nước sắc đinh lăng có tác dụng đối kháng với trùng roi, trị lỵ amip cấp.
Rễ dùng làm thuốc bổ tăng lực, gầy yếu mệt mỏi, tiêu hóa kém, phụ nữ sau sinh ít sữa, chữa ho ra máu, kiết lỵ, đau tử cung, giúp lợi tiểu.
Lá của cây đinh lăng chữa cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy, sưng vú, dị ứng mẩn ngứa, vết thương.
Thân và cành chữa thấp khớp đau lưng.
Đặc biệt là giúp cải thiện trí nhớ nhanh chóng
Xem thêm: Công dụng của cây Đinh lăng dưới góc nhìn Đông y
Tổng hợp