Kiến thức thảo dược

Công dụng và kỹ thuật gieo trồng cây rau chua (Hibiscus sabdariffa L.)

Cây rau chua (Hibiscus sabdariffa L.) là loại cây đa dụng, được sử dụng hầu hết các bộ phận của cây với nhiều công dụng khác nhau.Ngoài ra phần hoa của cây thường được dùng làm dược liệu hỗ trợ chữa bệnh. Trong bài viết này PGRVietNam xin giới thiệu cho bạn về các công dụng mà loài cây này đem lại và cũng như kỹ thuật gieo trồng chúng. Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

I. Nguồn gốc và phân bố
Cây rau chua (Hibiscus sabdariffa L.) thuộc họ bông (Malvaceae), có nguồn gốc Đông Nam Á, phân bố rải rác ở một số vùng của Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Bănglađet và Malaysia.
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra của Trung tâm Tài nguyên thực vật, Hibiscus sabdariffa L. ngoài tên phổ biến là rau Chua, còn có các tên địa phương khác như cây Giấm, Đay Nhật, Bụt Giấm, Giền Cá, Giền Chua… phân bố khá rộng từ các tỉnh trung du miền núi phía bắc như Hoà Bình, Lào Cai, Quảng Ninh, có ở vùng trung bộ như Thanh Hoá, Nghệ An, cao nguyên Lâm Đồng đến tận Kiên Giang, Cần Thơ.

cay-rau-chua

Rau chua trồng nhiều ở các tỉnh trung du miền núi phía bắc

II. Đặc điểm sinh học và yêu cầu sinh thái
Đặc điểm sinh học
    Rau chua là cây hàng năm, dạng nửa bụi, cao trung bình 2m, nếu chăm bón tốt có thể đạt 3m. Cây phân nhánh nhiều, thân có màu tía hoặc đỏ, có phủ lớp lông ngắn.
– Lá: Lá có dạng hình tim tròn (dài/rộng lá: 0,9-1,0), màu xanh đậm hoặc đỏ tía, lá nhẵn, xẻ thuỳ sâu với 3-5 thuỳ thon nhọn, mép lá có răng cưa, gân phía dưới lá màu tía, cuống lá dài 6-14cm thường màu tía.
– Hoa mọc ở nách lá, cuống ngắn, hoa có 8-12 lá đài phụ. Đài phụ mập màu đỏ đậm ăn có vị rất chua. Cánh hoa vàng, đỏ hay tía với tâm đỏ đậm. Phấn hoa màu vàng.
– Quả nang hình nón thuôn, dài khoảng 2cm, có lông bao phủ. Quả có 5 ngăn chứa 15 – 17 hạt/quả. Quả khi chín dễ bị nứt, phát tán mạnh. Số quả trên cây biến động trong khoảng 400-700 tuỳ thuộc giống vàđiều kiện chăm sóc.
– Hạt màu xám có dạng tròn hoặc tròn lệch. Khối lượng 100 hạt biến động trong khoảng 0,95g-2,5g tuỳ giống. Cây ra hoa 50% sau trồng 120-150 ngày.
Hiện tại trong Ngân hàng gen cây trồng Quốc gia có 14 giống rau chua. Các giống này được phân thành 3 nhóm chính: thân tía, lá xanh hoa vàng; thân đỏ tía, lá đỏ tía, hoa đỏ; thân đỏ tía, lá xanh, hoa đỏ tía. Ba nhóm giống khác nhau về thời gian ra hoa, độ phân nhánh và năng suất lá cũng như năng suất quả.

Đặc điểm sinh học cây rau chua
Đặc điểm sinh học cây rau chua

Yêu cầu sinh thái
Rau chua ưa nóng, ẩm, lúc gieo hạt và nảy mầm cần nhiệt độ 16-180C, thời kỳ thân lá phát triển cần nhiệt độ 25-380C, dưới 140C cây không nảy mầm, trên 380C cây ngừng sinh trưởng. Thời kỳ ra hoa kết quả cần nhiệt độ 25-300C.
Lượng mưa trung bình hàng năm 1500mm.
Cây cần nhiều đạm và kali để cho năng suất lá, hoa cao. Cây chịu hạn khá, có thể chịu ngập thời gian ngắn.
Cây Rau chua có tính kháng sâu bệnh cao. Trong nhiều năm nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên thực vật, hầu như không thấy xuất hiện sâu bệnh hại.

III. Công dụng
     Rau chua là loại cây đa dụng, được sử dụng hầu hết các bộ phận của cây với nhiều công dụng khác nhau:
– Hoa làm dược liệu chữa nhiều bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, suy thận, suy tim, hạn chế cholesterol trong máu.

hoa-atiso-do

Rau chua chuyên trị nhiều loại bệnh liên quan đến máu

– Lá, chồi non và đài hoa tươi dùng làm rau xanh nấu canh chua, là gia vị, ăn sống, xào nấu rất ngon, hoa có thể sản xuất thành nước giải khát giải nhiệt, chế rượu vang, trà túi Hibiscus thanh nhiệt.
– Hạt ép lấy dầu ăn, sản xuất nhiên liệu thay xăng, làm thức ăn chăn nuôi gia cầm rất tốt; thân có thể lấy sợi để dệt vải, bện thừng.
Nhu cầu của thị trường thế giới về loại cây này rất cao: Hoa Kỳ là nước nhập khẩu lớn nhất, bình quân mỗi năm nhập khoảng 5.000 tấn, giá cả giao động tùy theo nước và mùa vụ từ 4000-5000USD/tấn từ các nguồn cung cấp chủ yếu ở Trung Quốc, Thái Lan, Sudan, Mexica, Ai Cập, Senegan, Tanzania, Mali, Việt Nam và Jamaica.
IV. Kỹ thuật gieo trồng
1. Thời vụ 
Có thể trồng từ tháng 3 đến tháng 10, các tỉnh phía bắc trồng tốt nhất tháng 5-6.
2. Giống 
Hiện có 2 giống tốt nhất là có thân tía, lá xanh cho năng suất quả và lá cao hơn so với giống có thân và lá màu tía hoặc đỏ.
Bà con và các địa phương có thể nhận miễn phí hạt giống theo Qui định từ Trung tâm Tài nguyên thực vật tại địa chỉ: xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội, ĐT: 0433656605
3. Gieo trồng và chăm sóc 
Chọn đất cát pha, thịt nhẹ và trung bình, giàu chất hữu cơ, pH 6-7, mực nước ngầm dưới 60 cm. Đất cày bừa kỹ, nhặt sạch cỏ dại, lên luống rộng 1-1,5m. Rau chua chủ yếu nhân giống bằng gieo hạt. Bổ hốc thành 2 hàng trên mặt luống với khoảng cách 80cm x 60cm (khoảng 20.000-22.000 cây/ha). Tra hạt theo hốc ở độ sâu 2-2,5 cm, mỗi hốc gieo 2-3 hạt sau đó tỉa để lại 1 cây khoẻ nhất. Sau khi phủ đất nên phủ thêm một lớp trấu, rơm rạ và Lượng phân bón tưới đủ ẩm.
Lượng phân bón: 

Tuỳ điều kiện canh tác và mục đích thu sản phẩm lá, hoa hay quả mà chọn lượng phân bón hợp lý. Để thu lá và đài hoa, lượng phân bón cho 1ha có thể là: phân chuồng 15-20 tấn, phân hoá học: 150-200N: 80-100P205: 80-100K20.
Cách bón:
– Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 1/3 số phân kali
– Bón thúc 2-3 đợt
+ Lần 1: sau trồng 25-30 ngày với 1/3 đạm
+ Lần 2: khi cây bắt đầu có nụ: 1/3 đạm + 1/3 kali
+ Lần 3: sau khi thu lứa quả đầu tiên: 1/3 đạm +1/3 kali. Thường xuyên xới xáo, làm cỏ tưới nước kết hợp bón thúc để vun gốc cho cây.
4. Thu hoạch
Có thể thu hoạch lá và ngọn để làm rau ăn sau gieo khoảng 2 tháng; thu đài hoa, nụ sau 4 tháng và thu liên tục trong nhiều tháng. Bộ phận dùng làm thuốc là hoa, thu hái vào mùa thu, lúc các lá đài còn mềm, không bị nhăn héo và có màu đỏ sẫm. Hoa chỉ nên thu hái trong vòng 15-20 ngày sau khi hoa nở, vì để lâu dược liệu sẽ kém phẩm chất.

Tổng kết, trên đây là toàn bộ thông tin về Cây rau chua bao gồm đặc điểm, công dụng và kỹ thuật gieo trồng. Hy vọng bài viết này mang tới thông tin hữu ích cho các bạn độc giả. Nếu có thắc mắc gì hãy liên hệ ngay chúng tôi thông qua fanpage PGRVietNam để được giải đáp ngay.