Tên gọi :
Rau Cánh Gà là ngọn, lá non của một dạng cây hoang dại được Công ty cổ phần nông nghiệp và du lịch sinh thái Ba Vì ( BAVIECO) tuyển chọn từ loài cây Mồng sa, tên khoa học làStrophioblachia fimbricalyx Boerl. thuộc họ Thầu dầu – Euphorbiaceae.
Nguồn gốc và phân bố : Theo Dữ liệu khoa học Hoa Kỳ (USDA, 2010) [4] và các tác giả Võ Văn Chi, (1999) [1], Phạm Hoàng Hộ (2000)[2] loài này được phát hiện từ vùng Đông Nam Á đến Malaysia. Cụ thể, phân bố ở miền Đông Bắc, Đông Nam và miền Trung của Thái Lan, ở Quảng Tây (Trung Quốc), Shrok Thpong (Campuchia), Việt Nam, Philipines và Sulawesi. Ở Việt Nam, cây thường mọc hoang dưới tán rừng và trong các lùm cây ẩm ở các vùng núi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La tới Hoà Bình, Ninh Bình.
Giá trị sử dụng : Kết quả phân tích thành phần dinh dưỡng trong lá của cây Cánh gà năm 2011 tại Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế cho thấy, đây là một trong những loại rau rừng tự nhiên có đầy đủ các chất dinh dưỡng với hàm lượng khá cao, bao gồm protein (4,9g/100 g lá tươi), lipit, gluxit, các chất khoáng (canxi (465mg/100g lá tươi), sắt, photpho, tro), xơ, vitamin (B1, B2, C, ß- caroten ) và nhiều axit amin không thay thế, rất cần thiết cho con người như lizin, treonin, valin, izolơxin, metionin… So sánh với rau cải bắp – loại rau phổ biến trên toàn cầu cho thấy, hàm lượng các chất dinh dưỡng ở rau Cánh gà hầu hết đều cao hơn ở rau cải bắp [3].
Lá non và lá bánh tẻ sử dụng như rau, ăn ở dạng nấu chín, có thể chế biến theo nhiều cách: nấu canh, xào hoặc ăn lẩu
Theo Đông y, rau Cánh Gà tính mát, có tác dụng trị táo bón. Tại Mai Châu, Sơn La và Ba Vì, Hà Nội, Cộng đồng người Thái, Dao, Mường sử dụng lá rau Cánh Gà như loại rau đặc sản, rau làm thuốc. Ở Philippines, Mindoro, hạt khô được sử dụng trong việc sản xuất đồ uống lên men. Một báo cáo gần đây cho biết tác dụng chống đông máu của methanol chiết xuất từ rễ của cây S. fimbricalyx thu thập được từ Thái Lan.
Đặc điểm sinh học : Cây Cánh gà thuộc dạng cây bụi, cao đến 2m, phân cành mức trung bình; nhánh mảnh màu xám, không lông. Lá đơn mọc so le, phiến xoan thon, mép nguyên, đỉnh lá nhọn hoặc có đuôi, cuống dài 1-1,5cm, gân lá hình lông chim, bề mặt trên của lá nhẵn, bề mặt dưới có gân lồi ra. Cánh gà là cây đơn tính cùng gốc. Chùm hoa mọc trên đỉnh của cành.Hoa đực: đài hoa nhẵn, có 5 cánh hoa và giảm khi phát triển hoàn thiện, có hình trứng, nhẵn, mỏng. Nhị hoa có từ 15-50 nhị, chỉ nhị hình sợi thường dính với nhau, bao phấn có 2 ngăn được chia bởi khe chạy dọc bao phấn. Hoa cái: có 5 đài hoa, không có cánh hoa, bầu nhụy nhẵn, có 3-4 ngăn, mỗi ngăn có một noãn, ống dẫn phấn ngắn, nhụy được chia tách trừ phần đáy. Quả nang, màu đỏ nâu, không lông, có 3 mảnh, mỗi mảnh chứa một hạt cứng. Cây có khả năng bật chồi mạnh khi bị đốn chặt như cây chè. Dựa vào đặc điểm này, đồng bào dân tộc Dao, Thái thường khai thác lá từ rừng. Hiện nay một số hộ ở Ba Vì, Hà Nội và Mai Châu, Sơn La đã đem về trồng trong vườn nhà..Tại Ba Vì cây ra hoa kết quả từ tháng 5-10. Cây chịu hạn khá. Loại rau này được BAVIECO phát triển thành rau hàng hóa từ năm 2013.
Yêu cầu sinh thái : Cây rau Cánh Gà thường được thấy ở rừng thứ sinh, ở biên của rừng nguyên sinh, rừng khô, rừng rụng lá và đôi khi trong rừng tre. Sinh trưởng tốt trên đất lẫn đá, đá vôi, có biên độ sử dụng nước từ 1500 – 2000mm/năm, khi trưởng thành cây chịu khô hạn khá, là cây chịu bóng. Cây rau Cánh Gà Phát triển bình thường ở độ cao < 400 m. Nhiệt độ tối thích cho cây phát triển là 24-260C. Cây rau Cánh Gà trồng được trên nhiều loại đất nhưng tốt nhất dưới tán cây gỗ cao khác, trên đất giàu mùn thoát nước, hoặc đất phù sa, pHthích hợp nhất là 6-6,5 trong điều kiện kiềm, hoặc axit nhẹ.
Cách trồng:
– Gieo hạt/ trồng cây con vào đầu xuân, tháng 2-3 hoặc tách chồi từ rễ vào tháng 9-10. Trồng xen dưới tán cây thân gỗ như cây Báng, cây Sau sau…
– Trồng theo hàng với khoảng cách 100 x 80-100cm. Giữ độ ẩm sau trồng 1 tháng, sau đó cây sống nhờ nước trời.
– Chăm sóc chủ yếu làm sạch cỏ xung quanh gốc 50-100cm.
– Trồng 1 năm thu nhiều năm. Thu hái lá từ tháng 3-8. Vào cuối thu, tháng 10 bón cho mỗi cây lượng phân bón hỗn hợp với lượng: Phân chuồng 1kg + 0,2kg NPK (20-20-20) + 0,1kg vôi
– Sau 3 năm khai thác lá, nên đốn thân cách mặt đất 50cm để trẻ hóa cây, sau đó hàng năm vào mùa
Tài liệu tham khảo
- Võ Văn Chi, Trần Hợp (1999). Các loài cây có ích ở Việt Nam. Nxb Giáo dục, Hà Nội.
- 2. Phạm Hoàng Hộ (2000). Cây cỏ Việt Nam. NXB trẻ
- Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Hoàng Đình Phi (2011). Giới thiệu những cây rau rừng Núi Tản. Công ty TNHH Sannam.
- USDA (2010), USDA Plants Database Search
PGS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Huệ sưu tầm và biên soạn