Độ vào mùa nắng nóng, cơ thể chúng ta dễ bị mất nước và các vitamin thiết yếu. Điều này khiến cơ thể mỏi mệt, dễ dẫn đến nhiều căn bệnh thường gặp. Để phòng tránh, chúng ta có thể dùng những món ăn bài thuốc giúp trị bệnh mùa nắng nóng dưới đây.
Nội dung
Món ăn bài thuốc giúp trị bệnh mùa nắng nóng
Mía nấu với nha đam: Giúp bù nước và thanh lọc cơ thể. Cách làm: khoảng 2 lá nha đam loại vừa, lấy phần thịt, rửa sạch, thái hạt lựu cho vào nồi nấu với khoảng 150ml nước mía ép và khoảng 1 lít nước, cho đến khi vừa sôi rồi uống.
Trà bí đao: Khoảng 1kg bí đao (để vỏ, bỏ ruột, thái miếng nhỏ), nấu với 150ml nước mía ép, 2-3 lá dứa (vò sơ qua hoặc thái khúc). Nấu với 2 lít nước cho đến khi còn khoảng 1,5 lít. Lọc bỏ xác, giữ lạnh uống thay nước.
Nước hạ nhiệt: Râu bắp, mã đề, mía lau, cam thảo đất – mỗi loại 15g nấu cùng 20g với mỗi loại sau: cây thuốc dòi, rễ cỏ tranh và 2 lít nước. Đun sôi còn 1,5 lít, uống thay nước cả ngày.
Nước lá dâu: cây lẻ bạn, lá dâu tằm ăn – mỗi loại 20g, nấu cùng 10g lá dứa thơm và củ năng (hoặc củ sắn – củ đậu), mía thái khúc – mỗi thứ 15g. Đun sối với 2 lít nước còn khoảng 1,5 lít, giữ lạnh uống trong ngày.
Thạch sương sâm: lá sương sâm, lá sương sáo (tự vò hoặc mua ở dạng bột chế biến sẵn, có bán trong siêu thị) cho thêm mủ cây trôm và ít đường thốt nốt cho dễ ăn.
Xem thêm: Một số công dụng của cây sương sâm
Nước uống hạt é: hạt é, trái đười ươi (còn gọi là lười ươi) lượng vừa đủ, ngâm khoảng 30 phút đến 1 giờ. Riêng trái lười ươi sau khi ngâm phải bỏ vỏ lấy phần cơm (mềm, nhày). Cho thêm ý dĩ và ít nhãn nhục (hoặc quả táo đỏ) nấu chung với ít nước ép mía nguyên chất hoặc ít đường thốt nốt là thứ nước uống vừa giải khát vừa giải nhiệt cho cơ thể.
Ngoài ra, có thể uống nước gạo lứt, nước atiso nấu với lá dứa cũng là các loại nước uống được nhiều người ưa thích. Lưu ý: không nên uống nước mát thay nước liên tục nhiều ngày, vì việc này cũng gây rối loạn điện giải… ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe.
Các biện pháp phòng biến cố do nóng
Uống đủ nước: trời nóng ra nhiều mồ hôi, mất nước và rối loạn điện giải. Để khắc phục những sự cố này, bạn cần uống đủ nước (dấu hiệu nhận biết nước tiểu trong và không đậm màu).
Không mặc quần áo quá dày hoặc quá nóng, nơi ở ngột ngạt không thoáng khí.
Khi đi dưới nắng nóng phải trang bị đủ nón, dù.
Phải lau khô mồ hôi trước khi tắm, sau khi tắm tránh nơi gió lùa. Không nên tắm quá lâu và quá nhiều lần để tránh cơ thể “nhiễm lạnh”, đặc biệt trẻ em và người cao tuổi có các bệnh lý tim mạch.
alobacsi.com