Rau bồ ngót có tác dụng gì? Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công dụng của rau bồ ngót dưới góc nhìn của tác giả PTS. Võ Văn Chi trong quyển: Cây thuốc trị bệnh thông dụng được xuất bản vào năm 2000, và một số công dụng khác được Pgrvietnam.org.vn sưu tầm, tổng hợp.
Rau bồ ngót hay còn gọi là rau ngót, bù ngót thuộc họ Thầu dầu
Mô tả:
Cây nhỏ, có thể cao đến 1.5m hay hơn, phân cành nhiều. Lá mọc so le, dài tới 6 cm, rộng tới 3 cm, có cuống ngắn, với 2 lá kèm nhỏ. Phiến lá nguyên, hình trứng dài hoặc bầu dục, có mép nguyên. Hoa đơn tính mọc thành xim đơm ở kẽ lá. Hoa cái ở trên, hoa đực ở dưới. Quã nang hình cầu, màu trắng. Hạt có vân nhỏ.
Bộ phận dùng: Lá và rễ tươi
Nơi sống và thu hái:
Cây được trồng ở nhiều nơi trong các tỉnh. Nhân dân thường lấy lá nấu canh. Khi dùng làm thuốc, thường chọn những cây đã sống từ 2 năm trở lên. Hái lá tươi và dùng ngay. Rễ thu hái quanh năm.
Nội dung
Hoạt chất và tác dụng của rau bồ ngót
Chưa rõ hoạt chất làm thuốc. Chỉ mới biết trong lá có protit, gluxit, tro, trong đó chủ yếu là canxi, photpho và vitamin C. Trong rau ngót có nhiều axit amin cần thiết.
Theo Y học cổ truyền, lá rau ngót có tác dụng mát huyết, hoạt huyết, giải độc, lợi tiểu. Lá dùng chữa ban sởi, ho, viêm phổi, sốt cao, bí tiểu, tiêu độc. Rễ có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, được sử dụng làm thuốc lợi tiểu, thông huyết, kích thích tử cung co bóp,…Nhân dân thường dùng rau ngót chửa sót nhau và chữa tưa lưỡi.
Cách dùng:
Ngày dùng 20 – 40g lá tươi sắc uống, hoặc rễ tươi giã uống. Lá hoặc rễ tươi (40g) giã nhỏ, thêm nước và vắt lấy 100ml chia làm 2 lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút, hoặc dùng lá tươi giã đắp trên hai gan bàn chân chữa sót nhau. Lá tươi (5-10g) giã nhỏ vắt lấy nước rơ miệng cho trẻ em chữa tưa lưỡi, còn dùng ngậm chữa hóc xương. lá giã ra lấy nước uống bã đắp trị rắn cắn.
Một số tác dụng khác của rau bồ ngót được Pgrvietnam tổng hợp:
1/ Thanh nhiệt, giải độc: Rau ngót có tính mát, vị ngọt, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, giúp hạ sốt, tăng tiết nước bọt,…
Cách dùng: Uống 200ml nước ép rau ngót sống mỗi ngày hoặc dùng rau ngót sống nấu canh ăn thường xuyên.
2/ Hạ huyết áp: Trong rau ngót có chứa papaverin, chất này có tác dụng gây dãn mạch, chống co thắt cơ trơn. Vì vậy có tác dụng giảm huyết áp hữu hiệu. Bài thuốc này có thể áp dụng cho cả người bị mỡ máu cao (xơ vữa động mạch), tai biến mạch máu não do tắc mạch, nghẽn mạch.
3/ Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Người bệnh đái tháo đường chỉ được ăn ít cơm để glucoz – huyết không tăng nhiều sau bữa ăn. Rau ngót có inulin giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường (đường và cơm là đường nhanh). Mặt khác, khả năng sinh nhiệt của inulin chỉ bằng 1/9 của chất béo.
4/ Táo bón, đổ mồ hôi trộm ở trẻ: Lấy 30g rau ngót, 30g bầu đất, 1 quả bầu dục lợn rồi nấu canh cho trẻ ăn. Đây không chỉ là món canh ngon, bổ dưỡng lại có tác dụng chữa bệnh, mà nó còn là vị thuốc kích thích ăn uống với những trẻ chán ăn. Đặc biệt, canh rau ngót nấu với thịt lợn nạc hoặc giò sống… không chỉ tốt cho trẻ em mà còn rất tốt cho cả người lớn bởi nó là một vị thuốc bổ, giúp tăng cường sức khoẻ với người mới ốm dậy, người già yếu hoặc phụ nữ sau khi sinh.
5/ Giúp giảm cân: Nước ép rau ngót là một cách sử dụng rau ngót để giảm béo khá tốt, đặc biệt là giảm béo tại vùng bụng.
Cách dùng: Mỗi ngày uống khoảng 200ml nước ép rau ngót sẽ giúp bạn giảm cân hiệu quả. Tuy nhiên, với phụ nữ sau sinh không nên uống loại nước ép này vì rau ngót có tính hàn, dễ gây hại cho sức khỏe phụ nữ sau sinh. Sau sinh khoảng 2-3 tháng, sản phụ mới được uống loại nước ép này.
6/ Trị đái dầm ở trẻ em: Bạn cần chỉ dùng 40g rau ngót tươi rửa sạch, giã nát, sau đó cho một ít nước đun sôi để nguội vào rau ngót đã giã, rồi khuấy đều, để lắng và gạn lấy nước uống. Phần nước gạn được chia làm hai lần để uống, mỗi lần uống cách nhau khoảng 10 phút.
7/ Trị nám da: Trong rau ngót có chứa hàm lượng vitamin A, C rất cao, giúp nuôi dưỡng và chăm sóc da hiệu quả, đồng thời có khả năng đẩy lùi các sắc tố khiến cho da mịn màng, trắng sáng hơn.
Cách dùng: Xay lá rau ngót để lấy nước uống, sử dụng thức uống này hàng ngày. Một cách khác đó là xay rau ngót ra sau đó trộn thêm một ít đường được một hỗn hợp có màu nâu xám, sau đó bôi hỗn hợp này lên mặt để khoảng 20-30 phút sau đó rửa sạch mặt bằng nước lạnh. Nếu áp dụng phương pháp này thường xuyên sẽ mang lại hiệu quả bất ngờ cho bạn.
Bên cạnh những công dụng tích cực của rau bồ ngót, loài rau này cũng ẩn chứa một số tác hại mà chúng ta cần lưu ý:
1. Rau ngót gây sảy thai
Trong rau ngót tươi có chứa hàm lượng papaverin cao gây hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung, khiến chị em rất dễ sảy thai. Theo kinh nghiệm dân gian, phụ nữ sau đẻ, sau sảy, sau nạo chữa sót rau nhau bằng cách: lá rau ngót 40g, rửa sạch giã nát. Thêm một ít nước đun sôi để nguội. Vắt lấy chừng 100ml nước. Chia làm hai lần uống, mỗi lần cách nhau 10 phút. Sau chừng 15 – 20 phút nhau sẽ ra.
Chính vì vậy thai phụ, đặc biệt là với những thai phụ có tiền sử sảy thai liên tiếp, đẻ non, thụ tinh trong ống nghiệm nên hạn chế ăn rau ngót đặc biệt là uống nước rau ngót sống, liều cao.
Phụ nữ mang thai bình thường thỉnh thoảng vẫn có thể ăn một ít rau ngót luộc hay nấu canh. Tuy nhiên phải chọn những loại rau ngót sạch, tươi để tránh ngộ độc thực phẩm. Khi nấu phải đun sôi, nấu kỹ để đảm bảo an toàn.
2. Cản trở quá trình hấp thụ canxi và phốt pho
Ngoài việc hỗ trợ cho quá trình trao đổi chất trong cơ thể, glucocorticoid là kết quả của quá trình trao đổi chất của lá rau ngót có thể gây cản trở cho quá trình hấp thụ canxi và phốt pho, cả canxi và phốt pho có trong chính lá rau ngót cũng như trong thực phẩm khác được ăn kèm với rau ngót.
3. Gây mất ngủ:
Tại Đài Loan, đã có báo cáo rằng trong những người uống nước ép rau ngót (150g) từ 2 tuần đến 7 tháng đã xảy ra tác dụng phụ như có triệu chứng khó ngủ, ăn uống kém đi và khó thở. Tuy nhiên, những triệu chứng này biến mất sau 1 ngày ngừng tiêu thụ nước ép lá rau ngót.
Theo tờ Sriana, quá trình đun sôi cũng có thể làm giảm những tác động của lá rau ngót.
Tổng hợp