Món ăn bài thuốc

Công dụng của cây Cải trời

Cây Cải trời hay còn gọi là cây Bọ xít (Blumea glandulosa DC.) thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Mô tả: Cây thảo cao 70 cm, nhánh và lá có lông hơi dính, thơm. Lá mọc so le, mép khía răng. Cụm hoa màu vàng ở ngọn, có nhánh dài, có lông dính, hoa đầu màu vàng, bao chung do 5 – 6 hàng lá bác, phía ngoài là hoa cái, phía trong là hoa lưỡng tính; hoa nhỏ 4 – 5 mm. Quả bé dài 1 mm, có 10 lằn và ở ngọn có lông mào màu trắng.

công dụng của cây cải trời

Các loại khác như Blumea subcapitata DC. (thường được các sách nói đến nhiều) và Blumea lacera (Lamk) DC. Cũng được dùng với các tên là Cải trời.

Bộ phận dùng: Toàn cây

Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang, thông thường ở vườn, ruộng, sân, bãi trống vùng đồng bằng.

Khi dùng, nhổ cả cây vào mùa khô, đem rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô trong râm.

Hoạt chất và tác dụng: Chưa có tài liệu phân tích. Cây có chất thơm cũng như các loài Blumea khác, có một loại tinh dầu, có mùi long não. Ở Blumea lacera, tinh dầu này chứa 66% xineola, 10% d. fenchon và khoảng 6% xitral.

Theo Y học cổ truyền, cây có vị đắng, cay, mùi thơm, tính bình, có tác dụng thanh can hỏa, giải độc, tiêu viêm, tán uất, tiêu hòn cục, cầm máu vết thương, trị băng huyết, chảy máu cam. Cũng còn dùng trị tức ngực, yếu phổi, ho có đờm, táo bón, mất ngủ, đái vàng và nóng.

Cách dùng: Nhân dân thường dùng lá nấu canh ăn. Để làm thuốc, mỗi ngày lấy 10 – 30g sắc uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với Bồ công anh, Kim ngân hoa, lá Sen, canh Tâm duột, Ngũ gia bì, Cam thảo. Có thể nấu thành cao sệt, uống lâu ngày, mỗi ngày độ 2 thìa canh pha với nước, ngoài dán cao.

Nguồn: PTS. Võ Văn Chi – Cây thuốc trị bệnh thông dụng – NXB Văn hóa