Trồng cây cảnh trang trí trong nhà đang là thú chơi của nhiều người. Cây có thể được trưng bày nơi ban công sân thượng, phòng khách, phòng đọc sách, làm việc, phòng bếp, thậm chí cả phòng tắm. Có một nơi mà người ta e ngại trồng cây xanh, đó chính là phòng ngủ. Họ cho rằng cây xanh rất không tốt cho giấc ngủ của gia chủ. Tuy nhiên, vài người vẫn bất chấp để trồng. Có nên trồng cây trong phòng ngủ hay không và trồng như thế nào để hợp lý là câu hỏi mà hầu như ai cũng quan tâm.
Nội dung
Tại sao không nên trồng cây trong phòng ngủ?
Thường thì con người ta hay ngủ vào ban đêm, khi mặt trời đã lặn và sau một ngày dài làm việc vất vả. Vào ban đêm, cây xanh sẽ ngừng quá trình quang hợp và bắt đầu hô hấp bằng cách hấp thụ khí oxy và thải ra hơi nước cùng khí cacbonic. Con người thì lại hít khí oxy và thải ra khí cacbonic. Như vậy, cả con người và cây xanh đều diễn ra cùng một quá trình như nhau trong một không gian thường là khép kín. Điều này dễ dẫn đến việc cây xanh sẽ hấp thụ hết khí oxy của con người, khiến không gian căn phòng ngột ngạt, khó chịu và người ở trong đó có thể khó thở.
Đồng thời, phòng ngủ là nơi rất cần sự yên tĩnh, thư thái, ấm áp để con người có thể dễ dàng chìm vào giấc ngủ, cơ thể được thả lỏng nghỉ ngơi hoàn toàn. Năng lượng trong căn phòng này phải thuộc tính âm, tĩnh và trầm. Cây xanh thì lại là thực thể sống, có sự sinh sôi, phát triển, già úa và chết, năng lượng thuộc tính dương, chuyển động mạnh mẽ. Hai nguồn năng lượng này đối lập nhau và khó có thể cùng tồn tại trong một không gian chật hẹp như vậy. Khó ai có thể ngủ ở một nơi ồn ào, chuyển động cả.
Mặt khác, trong quá trình sinh trưởng của mình, cây xanh có thể bị sâu bệnh, thu hút muỗi và côn trùng đến trú ngụ. Lá hoặc thân cây có khi sẽ vàng úa, rơi rụng gây mất vệ sinh. Tất cả những điều đó dễ tạo nên vi khuẩn, mầm bệnh tấn công con người, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Chúng ta vẫn có thể trồng cây trong phòng ngủ
Nhiều người thấu hiểu tất cả những bất lợi của việc trồng cây trong phòng ngủ , nhưng họ vẫn yêu thích và nhất quyết trồng. Họ đã trồng như thế nào và làm gì để khắc phục những điều đã nói ở trên? Câu trả lời là họ đã tuân thủ 6 nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Chọn cây có cơ chế sinh học ngược
Một số loài thực vật có cơ chế sinh học ngược, vào ban đêm sẽ “nhả” khí Oxi và hấp thụ CO2 như: Lưỡi Hổ, Lan Chi (Dây Nhện), Bồ Đề, Nha Đam, Dứa Cảnh, … Trồng những cây này trong phòng sẽ làm tăng lượng oxy cho không khí, đồng thời cây còn có khả năng lọc và giảm bớt các khí độc hại nếu có.
Nguyên tắc 2: Cây phải có kích thước phù hợp
Phòng ngủ không phải là nơi có không gian quá rộng. Ngoài giường, nệm ra, nhiều người còn kê bàn trang trí, có thêm ghế dài để đọc sách hoặc tủ đựng quần áo. Với diện tích hạn chế như vậy, việc lựa cây để trồng cần lưu ý là những cây có kích thước nhỏ. Cây có thể trồng chậu, đặt bàn được càng tốt, hoặc chậu treo cũng là một gợi ý khá hay.
Ngoài ra, không nên trồng những cây có tán rộng, quá sum sê, cành lá tua tủa, ra nhiều hoa hay quả, thân quá nhọn hoặc có gai. Cây có thân to, màu đậm và gốc xù xì, thô nhám, cây bon sai cũng nên tránh. Những đặc điểm trên vừa khiến căn phòng bị chiếm quá nhiều không gian, lại gây mất vệ sinh và có thể khiến con người bị thương nếu không cẩn thận. Đối với phòng ngủ trẻ con, cần tránh những loài cây chứa độc tố, rất nguy hiểm nếu các bé sờ vào hay ăn phải.
Nguyên tắc 3: Trồng những cây dễ chăm sóc
Cây trong phòng ngủ càng dễ chăm sóc càng tốt. Đó là nơi thiếu hoặc ánh sáng mặt trời, nên cây phải có đặc tính sinh trưởng là có thể chịu bóng, sống được dưới ánh đèn huỳnh quang. Nhu cầu về lượng nước của những cây này cũng phải ít hơn bình thường, để tránh tình trạng chúng ta phải tưới nước thường xuyên và làm đổ nước lênh láng ra phòng. Nếu chọn cây cần độ ẩm cao và nhiều nước cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Nguyên tắc 4: Phải là cây có hương sắc dễ chịu
Phòng ngủ là nơi cần sự nhẹ nhàng, an yên. Do đó những vật trang trí hoặc cây trồng không nên quá cầu kỳ, sặc sỡ và nồng mùi. Những cây nên chọn là loại cây có màu xanh nhạt, hoa thì màu nhẹ như trắng, kem, các gam màu pastel. Nếu cây hoa có mùi hương thì nên nhẹ nhàng, vì mùi đậm sẽ gây ngột ngạt, khó ngủ hoặc dị ứng.
Nguyên tắc 5: Đừng tạo một khu vườn mini trong phòng ngủ
Như tên gọi, phòng ngủ là nơi để ngủ. Các chuyên gia còn khuyên rằng không nên mang sách đọc, hay những thiết bị điện tử như tivi, điện thoại vào phòng ngủ để làm xao nhãng việc nghỉ ngơi, ảnh hưởng đến giấc ngủ. Cũng như thế, không ai khuyến khích bạn tạo ra một khu vườn mini trong phòng ngủ của mình đâu nhé!
Cây trong phòng ngủ chỉ nên tối đa là 3-4 chậu nhỏ. Đối với loại thân leo như cây Thường Xuân, Trầu Bà, hay Dây Nhện, … hãy chú ý đừng để cây phát triển rậm rạp, um tùm, chiếm hết không gian phòng ngủ. Tùy thuộc vào đồ đạc và diện tích không gian mà bốtrí số lượng cây sao cho hợp lý, tránh trồng quá nhiều cây ở nơi này.
Nguyên tắc 6: Chăm cây một cách hợp lý
Bất kể bạn trồng cây ở đâu thì cũng cần dành thời gian chăm sóc nó, đảm bảo cây không chết sớm. Trong phong thủy, cây chết sẽ mang đến điều không may mắn cho người trồng, đó là một trong những lý do. Nhưng quan trọng hơn, việc chăm sóc cây thường xuyên sẽ giúp ta phát hiện sâu, bệnh của cây để xử lý kịp thời cũng là cách để ngăn chặn vi khuẩn phát triển, ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình.
Đối với cây trồng ở phòng ngủ, thỉnh thoảng bạn nên đem chậu cây ra phơi nắng nhẹ buổi sớm để cây có thể phát triển được tốt. Cây không cần tưới nhiều nước hay bón phân quá nhiều. Điều đặc biệt phải chú ý đó chính là cắt tỉa cành, lá cây và phòng trừ sâu, bệnh. Nếu bạn không thể dùng dụng cụ làm vườn để bắt sâu bọ bám trên cây, thì hãy đem chậu đó ra ngoài vườn hẵng xịt thuốc trừ sâu, tuyệt đối không được xịt trong phòng. Sau khi chậu cây đã bay hết mùi thuốc, dùng nước lau sạch lá và mang lại vào phòng.
Bài viết ở trên đã phần nào lý giải được thắc mắc của nhiều người về việc có nên trồng cây trong phòng ngủ hay không. Nếu thích, bạn vẫn có thể trồng, nhưng nhớ áp dụng đầy đủ 6 nguyên tắc đã nêu nhé!
Cuối cùng, hãy theo dõi bài viết Cây trong phòng ngủ – Phần 2: Những gợi ý có thể lựa chọn
Có thể bạn quan tâm: Tuyệt chiêu chọn cây trồng trong nhà tắm