Đau lưng là một trong những điều than phiền nhiều nhất của phụ nữ mang thai. Vùng thường bị đau nhiều nhất là thắt lưng và khớp vùng chậu. Thông thường, đau lưng sẽ tăng lên từ tam cá nguyệt thứ hai và có thể kéo dài sau khi sinh. Có thể nói, triệu chứng đau lưng của các mẹ bầu không đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, nó cũng cần được chú ý và chăm sóc nhằm xua tan những cảm giác khó chịu cho mẹ bầu.
Nội dung
1. Đau lưng khi có thai là gì?
Đau lưng khi mang thai thường là cảm giác đau nhức, kéo dài và có thể là cảm giác cứng đơ khớp ở vùng lưng trên hoặc lưng dưới, vùng hông. Thỉnh thoảng, cơn đau có thể lan xuống vùng mông và chân.
2. Khi mang thai, đau lưng bắt đầu và kết thúc khi nào?
Thật không may, đau lưng có thể bắt đầu khá sớm khi bạn mang thai. Một vài phụ nữ có thể đã thấy đau lưng trong tam cá nguyệt thứ nhất. Tuy nhiên, hầu hết mẹ bầu đều bắt đầu đau lưng xung quanh tuần thứ 18, giai đoạn sớm của tam cá nguyệt thứ hai. Triệu chứng đau lưng có thể kéo dài hoặc đôi khi trở nên nặng hơn khi tam cá nguyệt thứ hai tiến triển. Đặc biệt, nó có thể trầm trọng hơn trong tam cá nguyệt thứ ba, cho đến khi bạn sinh con (thỉnh thoảng được thay thế bằng đau lưng sau sinh!).
3. Vì sao sản phụ thường đau lưng khi mang thai?
Có nhiều yếu tố góp phần gây nên cơn đau lưng cho các mẹ bầu. Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp.
3.1. Tăng cân
Trong thời gian mang thai, cân nặng của mẹ bầu thường tăng từ 11 đến 15 kg. Cột sống cần phải hoạt động nhiều hơn để nâng đỡ sự tăng cân này. Điều này có thể gây đau lưng dưới. Ngoài ra, sự phát triển của thai nhi và tử cung cũng đặt nhiều áp lực lên mạch máu và thần kinh ở khung chậu và vùng lưng. Vì vậy, nó cũng có thể gây những cảm giác khó chịu ở vùng lưng, vùng chậu.
3.2. Thay đổi tư thế
Trong thời kỳ mang thai, tử cung lớn dần cùng với thai nhi làm cho cột sống thắt lưng phải cong về phía trước nhiều hơn. Điều này dẫn đến trọng tâm của cơ thể thay đổi. Để giữ thăng bằng trong quá trình di chuyển, mẹ bầu thường ngả về phía sau khiến phần lưng bị cong, gây đau nhức hoặc gây nên sự căng cơ.
3.3. Thay đổi hormone
Trong suốt thời gian mang thai, cơ thể của bạn sẽ sản xuất một loại hormone có tên là relaxin. Relaxin là loại hormone cho phép các dây chằng vùng chậu trở nên thư giãn, các khớp vùng chậu trở nên lỏng lẻo để chuẩn bị cho sự phát triển của thai nhi. Các dây chằng hỗ trợ cột sống cũng có thể trở nên lỏng lẻo, dẫn đến mất vững và đau cột sống.
3.4. Sự tách cơ
Cơ thẳng bụng là cơ ở vị trí giữa bụng, chạy dọc từ các sụn sườn, mỏm xương ức đến khớp mu. Khi tử cung lớn dần lên, cơ thẳng bụng có thể bị tách dọc theo đường giữa trung tâm cơ thể. Sự tách này có thể làm đau lưng trở nên tồi tệ hơn.
3.5. Căng thẳng
Tâm trạng căng thẳng có thể gây nên sự căng cơ vùng lưng, dẫn đến việc mẹ cảm thấy đau lưng hoặc co thắt cơ vùng lưng. Bạn cũng có thể thấy rằng triệu chứng đau lưng sẽ tăng lên trong thời kỳ căng thẳng của thai kỳ.
4. Đau lưng khi mang thai có giống như đau thần kinh tọa hay không?
Điều này cũng có thể. Nếu cơn đau có tính chất là đau nhói, đau như điện giật, bắt đầu từ vùng lưng hoặc vùng mông, sau đó lan xuống chân của bạn, thì đó có thể là đau thần kinh tọa. Lúc này, bạn nên đi khám bác sĩ để được thăm khám và điều trị hợp lý.
5. Những cách đơn giản giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng đau lưng
Thật may mắn là, trừ khi bạn bị đau lưng mãn tính trước khi mang thai, các cơn đau sẽ giảm dần trước khi bạn sinh con.
Có nhiều cách giúp mẹ bầu vượt qua triệu chứng đau lưng một cách dễ dàng.
5.1. Cải thiện tư thế. Cố gắng duy trì tư thế tốt
Do trọng tâm cơ thể thay đổi khi mang thai, tư thế của mẹ bầu thường ngả về phía sau. Điều này gây căng cơ vùng thắt lưng. Vì vậy, hãy nhớ những nguyên tắc sau để có một tư thế tốt:
- Đứng thẳng.
- Mở rộng lồng ngực.
- Giữ hai vai thẳng hàng, kéo về phía sau, thư giãn.
Khi đứng, hai chân mở rộng bằng vai, tạo cảm giác thoải mái, giữ thăng bằng tốt. Không nên đứng lâu một chỗ.
Khi ngồi, nên lựa chọn ghế có tựa để hỗ trợ lưng của bạn, hoặc đặt một chiếc gối nhỏ phía sau lưng. Dùng dụng cụ để chân giúp nâng cao bàn chân bạn một chút. Đặt đầu gối ngang bằng với phần đặt mông. Không nên vắt chéo chân hoặc ngồi với một hoặc hai chân co vào người. Bạn cũng không nên ngồi lâu một chỗ. Cứ khoảng 1 giờ bạn nên đứng dậy đi lại, vừa thư giãn cơ, vừa giúp máu lưu thông tốt.
Khi ngủ, nằm nghiêng với một chiếc gối giữa hai đầu gối có thể làm giảm căng thẳng cho vùng lưng của bạn.
5.2. Tập thể dục
Việc tập thể dục thường xuyên làm mạnh cơ và gia tăng sự linh hoạt cho cơ thể. Điều này có thể làm giảm bớt sự căng thẳng lên cột sống. Những bài tập an toàn cho hầu hết phụ nữ mang thai là đi bộ, bơi lội, đạp xe đạp tại chỗ. Bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu của bạn có thể khuyến cáo những bài tập để làm mạnh cơ lưng và cơ bụng của bạn.
5.3. Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Áp dụng chườm nóng hoặc chườm lạnh vùng lưng có thể có ích. Nếu bác sĩ đồng ý, hãy bắt đầu chườm lạnh lên vùng đau trong vòng 20 phút. Thực hiện vài lần trong ngày. Lưu ý, không chườm đá lạnh trực tiếp lên da. Hãy dùng túi chuyên dụng hoặc một chiếc khăn ẩm để bọc đá lại. Sau vài ngày, bạn hãy đổi sang chườm nóng. Sử dụng miếng nhiệt hoặc chai nước ấm chườm lên da. Cẩn thận không áp nhiệt vào bụng của bạn trong khi mang thai.
5.4. Theo dõi quá trình tăng cân của bạn
Hãy luôn theo dõi cân nặng của mình trong suốt thai kỳ. Tăng cân quá nhiều, quá nhanh có thể làm tăng gánh nặng cho vùng lưng của bạn.
5.5. Tránh nâng vật nặng
Nếu bạn phải nâng vật nặng, hãy thực hiện điều đó một cách từ từ. Cần có một tư thế tốt khi nâng vật nặng: mở rộng hai chân, uốn cong đầu gối chứ không phải vùng thắt lưng; ngồi xuống và nâng bằng tay và chân, không phải nâng bằng lưng của bạn. Tốt hơn nữa, hãy yêu cầu người khác giúp đỡ.
5.6. Mang giày phù hợp
Các chuyên gia khuyến cáo nên mang giày đế thấp, có hỗ trợ cung bàn chân, đem lại cảm giác thoải mái, thăng bằng tốt khi đi lại. Bạn cũng có thể cân nhắc một số loại giày chuyên dụng được thiết kế để hỗ trợ cho cơ.
5.7. Tránh các tư thế với cao
Không nên với tay tới những đồ vật hay kệ hàng trên cao, quá tầm.
5.8. Luôn nghĩ về những điều vui vẻ
Sự bình tĩnh, thư giãn sẽ giúp vùng lưng của bạn thư giãn. Bạn cũng có thể thử tập yoga trước sinh. Nó giúp bạn thư giãn cả tâm trí và cả vùng lưng của mình.
5.9. Massage
Mẹ bầu có thể massage giúp thư giãn đầu óc cũng như thư giãn cơ. Hãy đảm bảo việc massage được thực hiện bởi một chuyên gia trị liệu, người biết bạn mang thai và được đào tạo về lĩnh vực này.
5.10. Tư vấn
Nếu đau lưng liên quan đến căng thẳng, nói chuyện với một người bạn hoặc người tư vấn đáng tin cậy có thể hữu ích cho bạn.
5.11. Thuốc
Mẹ bầu vẫn có thể dùng một số thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen hoặc một số thuốc giãn cơ. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng bạn được bác sĩ thăm khám và chỉ định dùng những thuốc này.
5.12. Châm cứu
Châm cứu là một hình thức y học bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong đó, một chiếc kim mảnh được đưa vào da của bạn tại một số vị trí nhất định. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng, châm cứu có thể hiệu quả trong việc giảm đau lưng khi mang thai. Tuy nhiên, hãy đảm bảo được sự đồng ý của bác sĩ nếu bạn muốn thử phương pháp này.
6. Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Đau lưng thường không phải là một lý do để gọi cho bác sĩ của bạn. Nhưng bạn nên gọi cho bác sĩ ngay nếu trải qua bất cứ triệu chứng nào sau đây:
- Đau lưng trầm trọng.
- Cơn đau ngày càng nghiêm trọng hoặc cơn đau bắt đầu đột ngột.
- Đau thắt từng cơn.
- Khó khăn trong việc đi tiểu hoặc cảm giác châm chích, như kiến bò ở chân.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, đau lưng trầm trọng có thể liên quan đến các vấn đề loãng xương, thoái hóa cột sống hoặc viêm khớp nhiễm trùng… Đau từng cơn, nhịp nhàng có thể là dấu hiệu của chuyển dạ sinh non. Vì vậy, nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong số này, điều quan trọng là phải được bác sĩ thăm khám và kiểm tra.
Đau lưng trong thời kỳ mang thai là một vấn đề rất phổ biến. Có nhiều nguyên nhân góp phần gây nên tình trạng này. Có một vài mẹo nhỏ để giúp mẹ bầu vượt qua những cơn đau lưng một cách dễ dàng. Hy vọng bài viết cung cấp được những thông tin hữu ích về đau lưng trong thời kỳ mang thai nhằm giải tỏa bớt lo âu của bạn đọc.
Xem thêm: