Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về công dụng của bìm bìm biếc dưới góc nhìn của tác giả PTS. Võ Văn Chi trong quyển: Cây thuốc trị bệnh thông dụng được xuất bản vào năm 2000.
Bìm bìm biếc hay còn gọi là Bìm lan, Khiên ngưu, Hắc sửu thuộc họ Khai lang
Mô tả: Dây leo cuốn, các nhánh mảnh, rải rác có lông hình sao. Lá hình tim chia 3 thùy, mặt trên nhẵn và màu lục, mặt dưới nhạt và có lông ở các gân; phiến lá dài 14cm, rộng 12 cm; cuống mảnh, nhẵn dài 5 – 9 cm. Hoa to, màu hồng tối hay lam nhạt, xếp 1 – 3 cái thành xim ở nách lá. Quả nang hình cầu, nhẵn, đường kính 8 mm, kèm theo đài cùng lớn lên, có 3 ngăn. Hạt 2 – 4 có 3 góc, mặt lưng lồi, màu đen, nhẵn dài 4 mm, rộng 0.5 mm
Bộ phận dùng:
Hạt (khiên ngưu tử)
Nơi sống và thu hái:
Cây mọc hoang ở nhiều nơi.
Vào các tháng 7 – 10 quả chín, người ta hái về, đập lấy hạt, đem phơi khô là được. Nếu có thể dùng cồn để chiết nhựa, cô lại để thu hồi cồn, rửa cặn còn lại cho hết phần tan trong nước, sấy khô.
Hoạt chất và tác dụng:
Hạt ó mùi hồng, vị chát khó chịu. Từ hạt, người ta chiết được 40% chất dầu béo màu nâu, vị chát, một lượng lớn chất nhầy, các chất có ambumin và axit tauric. Hoạt chất trong hạt bìm bìm biếc là 1 glucozit, gọi là phacbitin, chiếm tỉ lệ khoảng 2%. Nó có tác dụng tẩy mạnh, và tăng sức co bóp của ruột. Hạt bìm bìm biếc còn có tác dung trừ diệt giun.
Theo Đông y: Khiên ngưu có vị cay, tính nóng, hơi có độc, vào 3 kinh phế, thận và đại tràng. Có tác dụng tả khí, phân thấp nhiệt, trục đờm, tiêu ấm, lợi nhị tiện (đại và tiểu tiện) là thuốc chữa tiện bí và cước khi, chủ trị hạ khí, lợi tiểu tiện, chữa cước thũng (phù), sát trùng.
Thông thường hạt bìm bìm biếc được dùng làm thuốc thông đạt tiểu tiện, thông mật, đôi khi có tác dụng ra giun.
Cách dùng: Mỗi ngày dùng 2 – 3g, tán bột, dùng nước chiêu thuốc. Nếu dùng nhựa khiên ngưu, chỉ lấy mỗi ngày 0.20g – 0.40g, có thể dùng tới 0.60 – 1.20g
Người ta cũng dùng hạt cây bìm bìm tía Ipomoea purpurea (L.) Lam (loài này có lá nguyên không xẻ), hoặc lá cây bìm bìm sắc uống cũng thấy có tác dụng lợi tiểu