Món ăn bài thuốc

Công dụng của cây Xích thược

Xích thược Radix Paeoniae rubrae là rễ phơi hay sấy khô của 3 loài thược dược:

1. Thược dược (Paeoniae lactiflora Pall.) đã mô tả ở trên. Nhưng là loài thược dược mọc hoang, củ nhỏ bé hơn dung chế thành xích thược.

2. Thảo thược dược (Paeonia obovata Maxim). Cây này cũng mọc hoang, rễ phát triển thành củ có vỏ màu nâu đỏ (Hình 30).

3. Xuyên xích thược (Paeonia veitchii Lynch).

Tất cả xích thược đều do cây mọc hoang cung cấp. Vào các tháng 3-5 hay các tháng 5-10 đào về, trừ bỏ thân rễ nhỏ, chia thành từng rễ to nhỏ riêng biệt, rửa sạch đất cát; phơi khô là được.

A. Thành phần hóa học:

Như thược dược: Có tinh bột, tanin, nhựa, chất nhầy, chất đường, sắc tố và axit benzoic. Tỷ lệ axit benzoic trong xích thược thấp hơn bạch thược (0,92%).

B. Công dụng và liều dùng:

Như thược dược, nhưng trong sách cổ người ta cho rằng: Bạch dược thì bổ huyết, đỏ thì hành huyết. Vì vậy bạch thược bổ, xích thược tả, bạch thược thu liễm, còn xích thược thì tán (theo Mậu Hy Ung).

Một tác giả khác là Hoàng Cung Tú nói: “Xích thược và bạch thược là chủ trị giống nhau, nhưng bạch thược có sức liễm âm, ích huyết, xích thược có năng lực tán tà hành huyết”.

Đơn thuốc có xích thược:

Chữa máu cam: Xích thược tán nhỏ, mỗi lần uống 6-8g.

Chữa băng huyết bạch đới: Xích thược, hương phụ hai vị bằng nhau, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6-8g. Ngày uống 2 lần. Uống trong 4-5 ngày.

Đỗ Tất Lợi (2004) Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam