Chua me đất hoa vàng hay còn gọi là Chua me hoa vàng, Chua me ba chìa thuộc họ Chua me đất.
Mô tả: Cỏ mọc sát đất. Thân mảnh, thường có màu đỏ nhạt, hơi có lông. Lá có cuống dài mang 3 lá chét mỏng hình tim. Hoa mọc thành tán gồm 2 – 3 hoa, có khi 4 hoa màu vàng. Quả nang, thuôn dài, khi chín mở bằng 5 van, tung hạt đi xa. Hạt hình trứng, màu nâu thẫm, dẹt, có bướu.
Cây ra hoa vào các tháng 5 – 7.
Bộ phận dùng: Toàn cây hay lá.
Nơi sống và thu hái: Cây mọc hoang ở khắp nơi, chỗ đất mát. Rất hay gặp ở những bãi cỏ hoang.
Người ta thường dùng toàn cây hay chỉ dùng lá làm thuốc. Thường dùng tươi, ít khi dùng phơi khô. Thu hái cây tốt nhất vào tháng 6 – 7, rửa sạch, phơi trong râm.
Hoạt chất và tác dụng: Mới biết trong lá và thân Chua me đất có axit oxalic, oxalat axit K.
Theo Y học cổ truyền, Chua me đất có vị chua, tính lạnh không độc, được dùng làm thuốc giải nhiệt, tiêu khát, tiêu viêm khỏi đau, tán ứ sát trùng.
Trong nhân dân, thường dùng toàn cây sắc uống, chữa sốt và chữa lỵ. Cũng dùng làm thuốc thông tiểu tiện, chữa viêm niệu đạo, chữa ho, viêm họng, chữa nhọt độc sưng tấy, đánh đập cứ ứ huyết.
Cách dùng:
Ngày dùng tới 30 – 50g cây hoặc lá tươi, nếu dùng khô, chỉ cần 5 – 10g, dưới dạng thuốc sắc. Dùng tươi nhai với muối, nuốt nước, chữa ho, viêm họng. Dùng ngoài, lấy nước sắc hoặc giã cây tươi vắt lấy nước, để rửa các vết loét. Cả cây giã, hơ nóng, đắp chữa nhọt, sưng tấy.
Chú ý là người có sỏi sạn, không nên dùng nhiều.
Nguồn: PTS. Võ Văn Chi – Cây thuốc trị bệnh thông dụng – NXB Văn hóa