“Thân nghèo rớt trái mồng tơi
thôi đành dỡ mộng buồn ơi”
Mỗi lần nghe bài này, tôi nhớ ba nhiều lắm. Khi mà hình ảnh ông vẫn chưa bị màu ký ức xóa nhòa trong tâm trí của tôi, tôi cứ nhớ hoài cái cách tay ông cầm chung rượu, tay múc muỗng canh mồng tơi vừa nấc vừa hớ hò “Mưa phùn ướt trái mồng tơi…”. Hồi đó, tôi không hiểu sao món này lại được ba thích như vậy, ông ăn nó mỗi ngày mà vẫn không ngán. […] Tôi cứ nghĩ về ba, nghĩ về những chiếc lá mồng tơi và câu hát ấy. Cho đến khi tôi đủ tuổi trưởng thành, đủ tuổi để được ngồi ở đây làm công việc gõ bàn phím (mặc dù nhiệm vụ của tôi là viết lách, nhưng tôi chẳng dám nhận nó bao giờ), tôi muốn viết về món mà ông ưa thích nhất, và tôi cũng muốn tự giải thích cho mình hiểu vì sao ông lại thích món canh rau mồng tơi đến vậy.
Ở dưới quê, rau mồng tơi tự lên nhanh lắm, cứ mỗi khi mưa xuống là cây lại phát triển nhanh hơn. Những chiếc lá hình trái tim cứ theo mưa mà đâm chồi nhanh chóng. Người ta nói hái lá mồng tơi nấu canh là “mát bá cháy bù chét luôn”. Nhưng hồi nhỏ tôi ăn chỉ vì nó..ngon thế thôi. Đến lớn rồi thì mới biết canh rau mồng tơi có tính nhuận trường, dể tiêu hóa. Chắc ngày đó ba tôi ăn món này cũng vì vậy, ông uống nhiều rượu lắm, thậm chí ông chỉ ngủ được khi có rượu vào người. Có thể, ba uống nhiều rượu, người ông nhiệt, ăn canh rau mồng tơi cho nó mát lại, dễ tiêu hóa.
Ngoài ra tôi cũng đọc thêm được nước ép từ quả thì dùng để trị đau mắt, hoặc người Trung Quốc người ta thường dùng rau mồng tơi giã nát đắp chữa vú sưng, giải độc,…
Cụ thể trong quyển Cây rau cây thuốc, TTƯT. LY. DSCKII. Nguyễn Đức Đoàn có viết:
Rau mồng tơi có tác dụng: Dùng làm thuốc giải nhiệt, chữa bí đái, táo bón.
Liều dùng: 100 – 150g/ngày
Nội dung
BÀI THUỐC ỨNG DỤNG CỦA RAU MỒNG TƠI
Bài 1: Rau mồng tơi giúp giải nhiệt
Lá mồng tơi: 100g
Nấu canh ăn cho mát
Bài 2: Rau mồng tơi chữa táo bón
Lá mồng tơi: 150g
Nấu với 200ml nước thêm vài hạt muối, ăn hết 1 lần, ngày ăn 2 lần, ăn liền trong 2 – 3 ngày cho hết táo bón thì thôi.
Rau mồng tơi, một loại rau mát và đó là lý do ba tôi vẫn không thể thiếu nó mỗi ngày.
Có dịp về quê, tôi sẽ lại nhâm nhi chén canh rau mồng tơi, vang vọng tiếng nấc của ba hớ hò: “Mưa phùn ướt trái mồng tơi…”
Xem thêm: Hướng dẫn cách trồng rau mồng tơi: trồng rau sạch
Công dụng của rau mồng tơi được trích dẫn từ sách: Cây rau cây thuốc – Bộ Y tế Vụ y học cổ truyền – NXB Y học