Món ăn bài thuốc

Đậu nành làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch?

Một nghiên cứu kéo dài hơn 50 năm của 1 nhóm các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra rằng: Đậu nành không chỉ là thức uống ngon miệng mà hơn hết nó còn là thực phẩm bổ dưỡng cho sức khỏe người dùng. Đặc biệt, đậu này có thể giúp phòng tránh bệnh tim mạch.

bệnh tim mạch
Đậu nành làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Giảm cholesterol xấu trong máu

Những nghiên cứu thuộc trường đại học Tulane ở New Orleans (Mỹ) cho thấy: Sau khi chọn 302 người bị cao huyết áp và cho họ dùng đậu nành thì sau một thời gian, huyết áp giảm rõ rệt.

Những tác dụng của đậu nành gây ấn tượng mạnh đến nỗi, Hiệp hội bác sĩ liên bang Mỹ đã cho phép ghi trên các sản phẩm có nguồn gốc từ đậu nành câu: “Có lợi cho sức khỏe và giảm nguy cơ bệnh mạch vành”.

Tại sao phải lo lắng về cholesterol trong máu?

Cholesterol có nhiều loại (cholesterol tốt, cholesterol xấu…) Trong đó cholesterol xấu nếu tăng cao sẽ có nguy cơ gây bệnh tim mạch, nó làm tăng quá trình xơ vữa động mạch. Cholesterol xấu gây nguy hại cho cơ thể thông qua quá trình hóa học gọi là oxy hóa.

Đây cũng là lý do có nhiều nghiên cứu quan tâm đến các chất chống oxy hóa để ngăn ngừa hoặc làm giảm quá trình oxy hóa đó. Ngoài ra, có loại cholesterol tốt, làm ngăn ngừa quá trình xơ vữa mạch máu, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Cholesterol và isoflavones… Hoặc những gì khác trong đậu nành

Nhiều quan tâm nghiên cứu hiện nay tập trung vào những hợp chất tự nhiên Isoflavone trong đậu nành (gồm genistein, daidzein, và glucitein). Họ thấy rằng nếu dùng đậu nành còn nguyên Isoflavone tự nhiên thì khả năng làm giảm cholesterol xấu trong máu cao hơn là dùng đậu nành đã bị lấy đi chất Isoflavone. Tuy nhiên một nghiên cứu mới đây (Nestel 1997) đã cho các phụ nữ mãn kinh dùng viên thuốc Isoflavone nguyên chất thì lại không làm hạ được cholesterol trong máu.

Điều này đặt ra vấn đề là có thể có một chất nào đó đi kèm với Isoflavone trong đậu nành nên mới làm cho Isoflavone trong đậu nành có tác dụng như vậy.

Đậu nành có tác dụng như một chất chống oxy hóa không?

Genistein, một Isoflavone có nhiều nhất trong đậu nành đã cho thấy có tác động như một chất chống oxy hóa, giúp ức chế một số bước trong quá trình khởi phát và tạo thành mảng xơ vữa động mạch. Sự phát triển mảng xơ vữa phụ thuộc vào sự phát triển nhanh của các tế bào cơ trơn thành động mạch, Isoflavone, đặc biệt là genistein có tác động ức chế quá trình này, đây là quá trình cơ bản trong sự xơ hóa vữa mạch máu.

Isoflavones và đáp ứng của động mạch

Động mạch bình thường sẽ giãn nở dưới tác động của Acetylcholin. Tuy nhiên những động mạch bị xơ vữa thì sẽ bị tác động ngược lại (co lại) dưới tác động của Acetylcholin. Những nhà nghiên cứu đã cho khỉ cái bị xơ vữa động mạch, được nuôi dưỡng bằng chế độ protein đậu nành có Isoflavone, sau đó họ thấy rằng động mạch bị xơ vữa của khỉ cái nay lại giãn nở ra dưới tác động của Acetylcholin. Như vậy sự hoạt động của động mạch bị xơ vữa lại đi theo chiều hướng của sinh lý bình thường. Tuy nhiên sự thay đổi tốt này chỉ thấy rõ ở khỉ cái, mà không thấy rõ ràng ở khỉ đực. Có lẽ vì vậy mà các nhà nghiên cứu chỉ đưa ra tiêu đề “Đậu nành và sức khỏe phụ nữ”.

Để kết luận, dù còn nhiều điều chưa biết rõ về đậu nành, nhưng các nhà nghiên cứu khuyên nếu không dị ứng với đậu nành, thì nên dùng mỗi ngày tối thiểu 25g protein đậu nành (chứa Isoflavone tự nhiên) là một trong những cách hạ thấp nguy cơ bệnh tim mạch.