Cát lồi – còn có tên khoa học là Mía đỏ, Đọt đắng thuộc họ gừng.
Mô tả: Cây thảo cao chừng 1m trở lên, có thân xốp. Thân rễ to nạc, Lá mọc so le, có bẹ. Lá non thường mọc thành một đường xoắn óc, mặt dưới của lá có lông mịn. Cụm hoa ở ngọn thân mang nhiều hoa màu trắng, có lá bắc màu đỏ. Quả nang, chứa nhiều hạt đen.
Bộ phận dùng: Thân, rễ, thân búp non và cành non.
Nơi sống và thu hái:
Cây mọc hoang dại ở nhiều nôi trong các lùm bụi, trên các gò đất, chỗ đất ẩm mát. Có thể trồng bằng đoạn thân, mầm thân, rễ và hạt. Thân rễ và thân có thể thu hái quanh năm đem phơi khô dùng dần. Búp non và cành non dùng tươi.
Hoạt chất và tác dụng:
Trong thân rễ có chủ yếu là các hydrat carbon, các chất anbuminoit. Từ rễ cái khô, đã chiết được các chất diosgenin, tigogenin và một số saponin khác. Có thể là một nguồn chiết xuất diosgenin.
Y học cổ truyền xem Cát lồi là vị thuốc thanh nhiệt lợi tiểu, thường được dùng chửa sốt, làm ra mồ hôi, chữa đái buốt, đái vàng,… Thân, búp non và cành non thường dùng chữa đau tai, đau mắt.
Cách dùng: Thân rễ khô dùng sắc hay nấu cao uống. Cành lá thường dùng nướng, vắt hay giã lấy nước nhỏ tai, nhỏ mắt. Ngày dùng 8 – 16g. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Thân rễ tươi có thể luộc ăn được.
Nguồn: PTS. Võ Văn Chi – Cây thuốc trị bệnh thông dụng – NXB Văn hóa
Xem thêm: