Món ăn bài thuốc

Nguyên nhân và bằng chứng Giảo cổ lam chữa bệnh tiểu đường

Nhằm mang lại cho quý độc giả cái nhìn khách quan hơn về việc Giảo cổ lam chữa bệnh tiểu đường, chúng tôi xin được trích thông tin liên quan đến vấn đề này. Thông tin được trích sách: Giảo cổ lam – cây thuốc đặc biệt cho bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp và mỡ máu. Chủ biên: PGS.TS: Nguyễn Duy Thuần.

“Các chất trong Giảo cổ lam không chỉ có tác dụng làm sạch các loại cholesterol xấu trong máu mà còn có tác dụng ổn định đường huyết trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2.

Năm 2004, Nhóm nghiên cứu Đào Văn Phan, Nguyễn Duy Thuần và Nguyễn Khánh Hòa (Viện Dược liệu & Đại học Y Hà Nội) đã kết hợp với Viện nghiên cứu Karolinska Thụy Điển sàng lọc các cây thuốc của Việt Nam có tác dụng hạ đường huyết và đã tìm ra một hoạt chất mới từ cây Giảo cổ lam, có tác dụng kích thích tạo insulin. Các nhà khoa học đã chứng minh được hoạt chất này là một saponin mới và đặt tên là Phanoside (lấy tên nhà khoa học Việt Nam Đào Văn Phan, trưởng nhóm nghiên cứu). Khi sử dụng trên chuột người ta thấy rằng phanoside đáp ứng với từng nồng độ glucose khác nhau. Điều thú vị là độ nhạy cảm của tế bào đảo tụy với phanoside khi nồng độ glucose cao tốt hơn khi ở nồng độ thấp. Điều này có nghĩa là Giảo cổ lam hầu như không có tác dụng hạ đường huyết khi nồng độ đường trong máu ở ngưỡng giới hạn bình thường mà chỉ làm giảm đường huyết trên đối tượng có nồng độ đường huyết cao.

Từ thành công ban đầu tìm ra phanoside, năm 2007 các tác giả này đã tìm ra cơ chế kiểm soát đường huyết của phanoside là do khả năng kích thích tiết insulin từ đảo tụy. Và đến năm 2010, một cuộc thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đã được thực hiện. Kết quả cho thấy, sau khi sử dụng trà Giảo cổ lam với mức liều 6g/ngày, sau 4 tuần thì nồng độ đường trong máu giảm 3 mmol/l so với trước khi sử dụng, đồng thời Giảo cổ lam còn giúp cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu của bệnh nhân tiểu đường.

Một nghiên cứu lâm sàng khác năm 2011 do TS. Vũ Thị Thanh Huyền, bộ môn Dược lý, trường Đại học Y Hà Nội phối hợp với Hội đái tháo đường Thụy Điển thực hiện trên 65 bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 tại bệnh viện Lão Khoa Trung ương có chỉ số đường huyết lúc đói trong khoảng từ 9 đến 14 mmol/l, sử dụng trà Giảo cổ lam với mức liều 6g/ngày (tương đương 3 gói trà Giảo cổ lam 2g), trong thời gian 12 tuần. Kết quả cho thấy, sau 12 tuần sử dụng trà Giảo cổ lam làm giảm đường huyết xuống 3 mmol/l, so với nhóm đối chứng không sử dụng Giảo cổ lam

Nghiên cứu cũng nhận thấy nếu sử dụng một thuốc hạ đường huyết gliclazide trong 4 tuần sau đó chuyển sang sử dụng trà Giảo cổ lam trong 8 tuần cũng giúp làm giảm đường huyết lúc đói là 2,9 mmol/l so với nhóm chỉ sử dụng gliclazide đơn thuần trong 4 tuần đầu. Đồng thời nghiên cứu của TS. Vũ Thị Thanh Huyền cũng nhận thấy sử dụng trà Giảo cổ lam làm tăng mức độ nhạy cảm của tế bào với insulin, khả năng sử dụng glucose của tế bào, do đó giúp ổn định nồng độ đường trong máu

Như vậy sau nhiều năm nghiên cứu người ta đã hiểu được một cách rõ ràng về khả năng kiểm soát đường huyết của Giảo cổ lam.”

Xem thêm:

Làm cách nào để sử dụng giảo cổ lam giảm béo hiệu quả nhất?

Thực hư việc Giảo cổ lam hạ huyết áp

Vén màn bí mật việc cây cỏ ngọt chữa tiểu đường